Friday, March 29, 2024

Các công ty Nhật đến Việt Nam ‘tính chuyện đường xa’


Nam Phương/Người Việt


 


HÀ NỘI (NV) –Càng ngày càng có thêm nhiều công ty Nhật đầu tư sản xuất ở Việt Nam vì họ nhắm đường xa hơn là nhìn vào những bất như ý trong hiện tại để than vãn.









Công nhân đang đẩy các xe Honda của Nhật sản xuất tại Việt Nam, chuẩn bị giao cho khách hàng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Ðấy là chủ đề của một bài phân tích trên báo Finacial Times về lý do tại sao Việt Nam đang có những vấn nạn nghiêm trọng như đình công liên miên, lạm phát cao, luật lệ tròng tréo lại hay thay đổi, hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa yếu, viên chức nhà nước thì vô cùng tham nhũng… mà họ vẫn cứ muốn đem tiền tới đầu tư.


Hồi năm ngoái, có 208 công ty Nhật bắt đầu xây dựng cơ sở hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết hơn $1.8 tỉ USD, theo con số thống kê của Jetro, cơ quan ngoại thương của chính phủ Nhật Bản. Năm 2010, có 114 công ty Nhật đến Việt Nam với số tiền đầu tư $2 tỉ USD.


Trong khi lượng đầu tư của Nhật vào Việt Nam vẫn còn đứng đàng sau Ðài Loan, Nam Hàn và Singapore nếu tính trên tổng số tiền đầu tư, nhưng các công ty Nhật lại đứng đầu về thực hiện các dự án đầu tư.


Ðợt đầu tư mới của các công ty Nhật vào Việt Nam bị thúc đẩy bởi đồng Yen lên giá, một phần của chính sách thúc đẩy các công ty đi đầu tư sản xuất tại các nước đang phát triển, vốn có những ưu tư về vấn đề dân số nước Nhật ngày một già đi.


Tony Foster, người hùn vốn mở văn phòng tư vấn pháp lý Freshfields Bruckhaus Deringer ở Việt Nam nói rằng các công ty Nhật bị kích thích hành động sau tai họa động đất và sóng thần gây thảm họa ở nước Nhật hồi Tháng Ba 2011.


“Các công ty Nhật nhận thấy họ không thể tồn tại nếu chỉ duy trì cơ sở ở nước Nhật.” Ông Foster nhận xét. “Chính phủ Nhật cũng khuyến khích các công ty của họ đa phương hóa đầu tư vào Việt Nam theo các lý do địa chính trị.”


Công ty tư vấn của ông Foster đã cố vấn cho tập đoàn ngân hàng Mizuho bỏ ra $567 triệu USD mua 15% ngân hàng Vietcombank của Việt Nam. Vietcombank là một trong những ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất tại Việt Nam.


Những công ty sản xuất hướng về xuất cảng như Bridgestone, công ty sản xuất vỏ xe hơi lớn nhất thế giới, và công ty Panasonic, tập đoàn sản xuất đồ gia dụng điện tử, đã lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam, lợi dụng lương công nhân quá rẻ.


Những công nhân không chuyên môn tại Việt Nam trung bình chỉ được trả một nửa hay chỉ bằng một phần ba số lương $300 đô la mà một công nhân được trả ở các khu sản xuất công nghệ phía Nam Trung Quốc.


Những công ty như Sapporo (sản xuất rượi bia), Mizuho (ngân hàng), Unicharm (sản xuất các sản phẩm vệ sinh phụ nữ) bị lôi cuốn đến việt Nam vì nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Việt Nam gia tăng, một trong những nước Á Châu có tỉ lệ giới trung lưu gia tăng nhanh nhất ở khu vực, theo thống kê của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu.


“Cho tới gần đây, nhiều công ty sản xuất Nhật bản đều hướng tới Trung Quốc nhưng càng ngày càng trở nên khó khăn vì trị giá đồng tiền mạnh và tiền lương gia tăng quá nhanh”. Yamaoka phát biểu. “Lại còn có cả vấn đề chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản.”


Một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty chứng khoán Nhật Bản, có sự hiện diện tại Việt Nam, nói rằng các công ty Nhật thích sự ổn định chính trị của một chế độ độc đảng kiểu Cộng Sản Việt Nam, không có các thù hận lịch sử và sự kình chống ngày nay vẫn còn bao trùm mối quan hệ Trung-Nhật.


Tuy nhiên, đồng lương và các căng thẳng xã hội cũng leo thang tại Việt Nam mà năm ngoái dẫn đến số vụ đình công kỷ lục trong khi lạm phát gia tăng đến 18%, tỉ lệ cao nhất tại Á Châu.


Dù vậy, những công ty như Tamron, chế tạo ống kính cho các nhà chế tạo máy hình nổi tiếng thế giới, nói họ không bị sự bất ổn kinh tế cản trở.


“Việt Nam rất thân thiện với các nhà đầu tư Nhật và mức lương chấp nhận được.” Shoji Kono, một phó chủ tịch của tập đoàn Tamron phát biểu. Gần đây công ty mở một chi nhánh sản xuất gần thủ đô Hà Nội với vốn đầu tư $13 triệu USD, thu dụng khoảng 2,000 công nhân.


Lần đầu tiên khi lập một cơ sở sản xuất ở ngoại quốc, Tamron đã chọn thành phố Phật Sơn, một khu kỹ nghệ ở đồng bằng sông Ngọc Hà thuộc tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. Họ là một trong rất nhiều công ty Nhật đầu tư sản xuất ở ngoại quốc muốn đa phương hóa sản xuất ra khỏi nước Trung Quốc nhằm giảm phí tổn sản xuất và giảm bớt phụ thuộc vào một căn cứ sản xuất. Sự nguy hiểm đã được nhìn thấy khi trận lũ lụt xảy ra ở Thái Lan cũng như trận động đất và sóng thần ở Nhật hồi năm ngoái.


Nhiều nhà ngoại giao Tây phương cho rằng các công ty Nhật gia tăng đầu tư vào Việt Nam nhờ có khuyến khích chính trị từ cấp cao. Nhật Bản là nước cấp viện hàng năm nhiều nhất cho Việt Nam. Các quan hệ chính trị và an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng gia tăng vì cả hai đều cùng sốt ruột trước những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ngày càng bạo hơn.


Năm 2010, Nhật đã cấp viện cho Việt Nam một số lượng tín dụng nhiều bằng tổng số họ cấp cho tất cả các nước Ðông Nam Á khác cộng lại. Phần lớn các khoản cấp viện cho Việt Nam là dành cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở. Tokyo không giấu giếm gì chủ trương dành cho các công ty Nhật thực hiện các dự án đó.


Trong khi có rất nhiều cơ hội, các điều kiện đầu tư tại Việt Nam hiển nhiên là khá xa với điều kiện lý tưởng. Tham nhũng vô cùng phổ biến, luật lệ phức tạp và lạm phát cao, hạ tầng cơ sở thì vẫn còn đang phải cải thiện rất nhiều.


Công ty Tamron, cũng như các công ty sản xuất khác, đều phải sắm máy phát điện riêng để phòng ngừa các trường hợp bị mất điện thình lình. Nhưng, như một vị giám đốc của một công ty chứng khoán Nhật phát biểu, họ chấp nhận thích nghi với các điều kiện khó khăn hơn là các công ty Tây phương khi đầu tư ở các nước đang phát triển vì họ tính chuyện đường xa.


“Các công ty Nhật chú trọng đến đường xa.” Ông nói. “Chúng tôi chấp nhận hoàn cảnh, tìm cách nào tốt nhất để đi tới và không than phiền với ai.”

MỚI CẬP NHẬT