Friday, March 29, 2024

Nhật mở nhà máy chế biến ‘đất hiếm’ ở Hải Phòng

 


TOKYO (NV) Công ty hóa chất của Nhật Bản Shin-Etsu Chemical Co., dự tính đầu tư khoảng 2 tỉ yên (hay khoảng $25.9 triệu USD) để lập một nhà máy chế biến kim loại “đất hiếm” tại Hải Phòng, Việt Nam.








Một mẫu đá trong đó có kim loại được biết với tên “đất hiếm” sử dụng trong nhiều ngành kỹ nghệ cao. (Hình: Internet)


Hãng tin tài chính Nikkei loan tin như vậy hôm Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 và nói rằng nhà máy dự trù chế biến 1,000 tấn đất hiếm mỗi năm.


Việt Nam có trữ lượng đất hiếm ước lượng từ 10 triệu tấn đến 20 triệu tấn ở tỉnh Lai Châu, cách biên giới với Trung Quốc khoảng 30 km.


Kim loại “đất hiếm” được dùng trong việc sản xuất bình điện xe hơi hybrid, và các loại sản phẩm kỹ nghệ cao khác. Ðây là nhà máy đầu tiên của công ty Shin-Etsu bên ngoài nước Nhật, dự trù bắt đầu hoạt động từ tháng 2, 2013.


Khi hoạt động, nhà máy sẽ nâng khả năng tuyển luyện và tinh lọc “đất hiếm của công ty lên thêm 50%, giúp họ giảm lệ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc.


Công ty Shin-Etsu là công ty lớn thứ nhì trên thế giới, sản xuất các bộ phận từ tính từ “đất hiếm,” cũng sẽ cung cấp cho nhà máy ở Hải Phòng những cái nam châm cũ thu lại từ các xe hơi hybrid, các phần cứng của máy điện toán và những cụng cụ khác và cả những nguyên liệu thừa từ nhà máy chế biến “đất hiếm” của họ.


Không những nhà máy ở Hải Phòng tuyển luyện “đất hiếm” lấy từ mỏ của Việt Nam, nhà máy này còn nhập nguyên liệu từ Úc, Ấn Ðộ để sản xuất.


Hồi cuối tháng 10 năm 2010, thủ tướng Nhật và thủ tướng Việt Nam đã thỏa thuận nguyên tắc để hai nước hợp tác khai thác và sản xuất “đất hiếm” tại Việt Nam sau khi kỹ nghệ Nhật bị cắt bớt nguồn cung cấp từ Trung Quốc.


Thỏa hiệp đầu tiên được hai nước ký năm 2010 giữa Tổng Công Ty Khoáng Sản Việt Nam (Vimico) với các công ty Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật. Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu của Vimico đã khảo sát, thu thập tài liệu, lập dự án đầu tư khai thác với vốn 141 tỉ đồng. Sản phẩm chính là tinh quặng đất hiếm có hàm lượng 43% kèm theo các phó sản khác như tinh quặng Calcium Floride và Barium Sulfate hay Barite.


Sau đó, đến tháng 10, 2011, tin tức lại nói công ty phía Việt Nam được đổi là công ty khai thác khoáng sản Lavreco trong khi hai công ty của Nhật vẫn như cũ. (TN)

MỚI CẬP NHẬT