Thursday, March 28, 2024

Phố cổ Hội An đang biến thành ‘cái chợ’

 


HỘI AN (NV) Phúc trình nghiên cứu của một tiến sĩ người Nhật vừa công bố cảnh cáo rằng Hội An đang mất dần sự hấp dẫn vì con người chỉ mải mê biến Hội An thành một cái chợ để buôn bán, thu lợi.










Phố cổ Hội An ngày Tết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Báo Người Lao Ðộng cho hay, nữ tiến sĩ người Nhật Bản Utsumi Sawako đã đến Hội An mỗi năm ít nhất hai lần trong suốt 20 năm qua để theo dõi sự biến động của bộ mặt thành phố cổ kính nhất Việt Nam mà bà yêu thích. Theo một số nhân chứng, bà nói tiếng Việt rất sõi, thường đến thăm các cư dân thành phố, chụp ảnh và cuối cùng hoàn tất một tài liệu nghiên cứu về tương lai mờ mịt của Hội An tại Việt Nam.


Theo bà, Hội An hiện có 409 trong tổng số 453 ngôi nhà cổ đang được cho thuê để bán hàng, trong đó có đến 70% chủ nhân là người từ nơi khác đến chứ không phải là cư dân địa phương. Các khu phố cổ kính nhất của Hội An nằm trong các địa điểm kinh doanh này, thường được sử dụng để bán hàng kỷ vật, tranh, quần áo… cho du khách phương xa.


Bà Utsumi Sawako còn nói rằng có 38 cửa tiệm bán hàng chỉ dùng để làm nơi trưng bày và trữ hàng hóa để kinh doanh chứ không có người trú ngụ. Theo bà, đây là đặc điểm chưa từng có tại Hội An cũng như tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.


Theo tài liệu nghiên cứu của bà Utsumi Sawako, 96% chủ kinh doanh tại Hội An là người từ nơi khác đến thuê mướn để mua bán vì mục đích lợi nhuận đơn thuần. Riêng về điều này, theo bà Utsumi Sawako, là một yếu tố bất lợi bởi những người chủ kinh doanh này chỉ muốn hái thật nhiều tiền rồi đi, chứ không tha thiết gì đến việc bảo tồn và phát triển tính chất cổ kính của Hội An.


Bà Utsumi Sawako tâm sự: “Tôi tin rằng những người từ nơi khác đến phố cổ chỉ coi phố cổ là một nơi buôn bán, kiếm sống. Hoạt động du lịch chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, vì lý do kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, làm hỏng giá trị cổ kính, lâu đời của Hội An.”


Thực tế cho thấy có nhiều người xây cao, sơn sửa mặt tiền căn nhà mà họ thuê làm mất đi tính chất cổ kính. Có người đập bỏ vách giữa của hai căn nhà liền kề, nới rộng, xây lên cao tầng, làm thay đổi kiến trúc ngôi nhà cổ…


Theo bà Utsumi Sawako thì tất cả những điều đó khiến phố cổ Hội An dần dần thay đổi bộ mặt truyền thống vốn có.


Bà Utsumi Sawako còn cho rằng lâu dần thì Hội An sẽ không còn là Hội An của một trăm năm về trước và đó là điều vô cùng đáng tiếc cho thế hệ tương lai của người Việt Nam.


Ðặc biệt theo bà Utsumi Sawako, Hội An là nơi trú ngụ lâu đời của nhiều thế hệ người Việt Nam, người Trung Hoa, người Nhật Bản, người Pháp… tạo nên một nếp văn hóa hiếm có trên thế giới. Vì người địa phương dần dần rời bỏ Hội An để giao lại cho những người kinh doanh đơn thuần từ nơi khác đến, bà Utsumi Sawako cho rằng Hội An sẽ mất dần “sự giao thoa” văn hóa vốn tạo nên sự hấp dẫn hiếm có.


Ðiều kỳ lạ hơn là trong khi người ngoại quốc lo lắng về việc duy trì truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam thì người Việt ở trong nước lại hờ hững như chưa từng biết đến những vấn đề có liên quan đến lịch sử lâu đời như thế. (PL)


 

MỚI CẬP NHẬT