Tuesday, April 23, 2024

‘Thần y’ Võ Hoàng Yên hết “xuống chó” lại “lên voi”

 

VIỆT NAM (NV) – Từng được ca tụng là “thần y,” rồi bị cấm hành nghề, phạt “hành chính” hàng triệu đồng, nay lương y Võ Hoàng Yên, cư dân Cà Mau lại được cấp giấy phép hành nghề, cấp đất và kết nạp vào hội Ðông y.

Cảnh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh miễn phí cho người dân. (Hình: VTC News và báo Lao Ðộng)

Lương y Võ Hoàng Yên 37 tuổi, ngụ tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau nổi tiếng ở Việt Nam về tài chữa được bệnh bại liệt, câm điếc mà Tây y đã bó tay trong một số trường hợp.

Từ tháng 7 năm rồi, lương y Võ Hoàng Yên mở một loạt khám và chữa bệnh tại tỉnh Bình Phước làm rộ lên dư luận “bán tín bán nghi” về tài có thể chữa được bệnh bại liệt, bại não, kể cả câm điếc nhiều năm. Có người tố cáo ông dùng phương pháp chữa bệnh “phản khoa học” trong khi một số người khác tán tụng những chiêu trị bệnh cứu người đầy kỳ bí của ông.

Tuy nhiên, mới đây, nhiều đợt “trình diễn” của ông gây sự chú ý của dư luận, dẫn đến nhận định có tính cách “trung dung” khi cho rằng ông dùng kỹ thuật bấm huyệt đạo của một người tinh thông nghề võ để chữa bệnh, cứu người.

Theo báo Lao Ðộng, ông Võ Hoàng Yên đã học cách bốc thuốc, bấm huyệt của các vị tăng già ở chùa Hưng Long Tự, Cà Mau khi còn trong độ tuổi thiếu niên. Ông đã có cơ hội “liều mạng” thực hành những điều đã học tại làng quê từ bảy năm trước để chữa bệnh cho người nhà và cô bác xóm giềng của mình. Nói “liều mạng” vì ông nhắm mắt làm liều, chữa bệnh cho người thân vì họ không có tiền để đến bệnh viện chữa trị, theo kiểu “may thầy, phước chủ”.

Cảnh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh miễn phí cho người dân. (Hình: VTC News và báo Lao Ðộng)

Ðiều kỳ lạ là ông Yên chữa khỏi bệnh cho một số người nghèo. Tin đồn lan xa khiến hàng ngàn người tìm đến địa nhờ ông trị bệnh miễn phí. Ông Yên bất chấp lệnh cấm hành nghề và bị phạt “hành chính” ít nhất hai lần, lên tới hàng chục triệu đồng, tương đương cả ngàn đô.

Cũng theo báo Lao Ðộng, ông Yên đã chữa khỏi bệnh bại liệt gần 10 năm cho bà Lê Thị Hà 52 tuổi, cư dân tỉnh Bình Phước. Một số nhân chứng kể cho biết, ông Yên chỉ xoa dầu và dùng một thỏi gỗ đầu tròn ấn, day đầu gối, bàn chân… của bệnh nhân. Hàng trăm người gần như há hốc mồm khi thấy bà Hà rướn người đứng dậy, đi những bước đầu tiên sau mười năm ngồi bất động trên chiếc xe lăn. Từ đó, tiếng tăm của ông Yên nổi lên như cồn.

Cũng theo báo Lao Ðộng, trong năm 2011, ông Võ Hoàng Yên đã chữa dứt bệnh bán thân bất toại, bệnh câm điếc cho một số người. Trong nhiều trường hợp, ông Yên chỉ mất khoảng 15 phút đồng hồ để day, bấm huyệt ở tai, ở lưỡi… để chữa bệnh câm.

Cũng theo báo Lao Ðộng, trong số các bệnh nhân được ông Yên chữa khỏi bệnh có nhà văn Lê Lựu và cựu Tướng Nguyễn Văn Cốc của quân đội Cộng Sản Việt Nam.

Chính quyền một số tỉnh ở Việt Nam đã tổ chức các cuộc thảo luận về phương pháp trị bệnh của ông Võ Hoàng Yên từ cuối tháng 7 năm rồi để đi đến kết luận: “Ðó là phương pháp xoa bóp, ấn huyệt giúp các bệnh nhân bị câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống… phục hồi chức năng.”

Cảnh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh miễn phí cho người dân. (Hình: VTC News và báo Lao Ðộng)

Trong một lần gọi là “trình diễn,” lương y Võ Hoàng Yên đã chữa bệnh bại liệt cho mẹ ruột của một cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Phước, giúp bà này đứng dậy, đi lại được mà không cần người dìu, xốc. Một cư dân huyện Ðồng Xoài khác cũng làm nhân chứng xác nhận đã được ông Yên chữa bệnh liệt nửa người chỉ sau hai lần bấm huyệt.

Theo báo mạng Tintuc.com, ông Võ Hoàng Yên được chính quyền tỉnh Bình Phước chính thức cấp giấy phép hành nghề từ đầu năm trở lại đây. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kết nạp ông Yên vào Hội Ðông Y tỉnh nhà và cấp 10 ha đất để ông này xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng.

Ðầu tháng 6 qua, ông Võ Hoàng Yên còn được đưa sang Nga chữa bệnh cho khoảng 100 người.

Người ta chưa quên thời kỳ “xuống chó” của ông Yên hồi tháng 6 năm rồi với lệnh cấm ông chữa bệnh miễn phí ở các chùa, nơi công cộng… của Sở Y Tế Bình Dương. Trong dịp đó, ông cũng đã bị công an mời nhiều lần để nhắc lại lệnh cấm, phạt “hành chính” 6 triệu đồng, tương đương 300 đô khiến ông rời khỏi tỉnh Bình Dương “một đi không trở lại”. (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT