Tuesday, April 16, 2024

ASEAN-Trung Quốc thông qua thỏa hiệp khung về Ứng Xử Trên Biển Đông

MANILA, Philippines (NV) – ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản thỏa hiệp khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông tại Manila, Philippines, và bác bỏ yêu cầu của phía Việt Nam muốn “chống quân sự hóa” và “ràng buộc pháp lý.”

Hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Tám, ngoại trưởng 10 nước ASEAN đã thông qua thỏa hiệp khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông sau nhiều tranh luận gay gắt trước đề nghị của phía Việt Nam muốn có nội dung “ràng buộc pháp lý” và lên án các hành động “bồi đắp” đảo nhận tạo và quân sự hóa những nơi này. Tuy nhiên, những yêu cầu này không được đồng ý và bản thỏa hiệp khung đã được chấp nhận trong cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc vào Chủ Nhật hôm sau.

Đã có nhiều bất đồng ký kiến về từ ngữ của bản thỏa hiệp liên quan đến tranh chấp Biển Đông nên bản thông cáo chung đã không ra kịp sau cuộc họp theo dự trù. Theo báo chí Philippines, buổi tối hôm Thứ Sáu, Việt Nam muốn đưa vào những lời lẽ mạnh mẽ chống lại Trung Quốc trong bản tuyên bố chung. Nước chống lại quan điểm của Việt Nam mạnh nhất là Cambodia.

Tuy nhiên sau cùng thì một bản thông cáo chung cũng đã được phổ biến với lời kêu gọi tránh quân sự hóa và bày tỏ quan ngại về bồi đắp đảo.

Tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông là vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất giữa các nước trong khu vực vì Bắc Kinh xúi bẩy, mua chuộc phía sau hậu trường một số thành viên ASEAN. Một số thành viên thì sợ Bắc Kinh phật lòng sẽ đem lại hệ quả xấu cho các quan hệ kinh tế, đầu tư.

Trung Quốc là nước đã ký vào Bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông năm 2002, trong đó cam kết sẽ cùng các nước tranh chấp giữ nguyên trạng. Nhưng ba năm qua, Trung Quốc gấp rút bồi đắp bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa, cơi nới mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa, biến những noi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ trên biển với mưu đồ khống chế toàn bộ khu vực.

Bởi vậy, Trung Quốc rất nhạy cảm trước các sự chỉ trích đối với sự ngang ngược, cậy thế nước lớn hà hiếp các nước nhỏ yếu thế ở khu vực. Tuyên truyền thì nói khu vực ổn định hòa bình trong khi đó ráo riết trang bị những nơi chiếm cứ bất hợp pháp từ phi đạo cho máy bay khu trục, các giàn hỏa tiễn, cảng biển, đài radar, vệ tinh viễn thông.

Dù sao, bản thông cáo chung mới được chấp thuận với lời “nhấn mạnh đến sự quan trọng của phi quân sự hóa và kềm chế” mà một số thành viên ASEAN trong các cuộc thảo luận đã từng bác bỏ trước đó. Bản thông cáo cung cũng khuyến cáo “niềm tin cậy bị xói mòn và gia tăng căng thẳng co thể phá hoại hoàn bình, an ninh và ổn định.”

Tuy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines Robespierre Bolivar nói rằng Philippines muốn bản thỏa hiệp khung cũng đề cập về ràng buộc pháp lý trong Bộ Quy Tắc Ứng Xử nhưng một số nhà quan sát cho rằng Manila không muốn gây căng thẳng với Bắc Kinh để đổi lấy mấy tỷ đô la đầu tư và viện trợ.

Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc họp viết rằng: “Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ Quy Tắc Về Cách Ứng Xử Của Các Bên Ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.”

Bản thỏa hiệp khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử không thấy được công bố. Một bản dự thảo được tờ Inquirer ở Philippines nêu ra nói rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử “không phải là một dụng cụ để dàn xếp tranh chấp lãnh thổ hoặc các vấn đề ấn định ranh giới trên biển.”

Người ta chỉ thấy trong đó những lời lẽ mơ hồ theo đúng ý của Trung Quốc như các bên duy trì “sự tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của lẫn nhau tương ứng với luật lệ quốc tế, và nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ (nước này) từ các nước khác.”

Sau khi bản thỏa hiệp khung được chấp thuận, Tân Hoa Xã loan báo qua lời Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị là “Trung Quốc hài lòng với sự thành tựu về quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN và tình hình Biển Đông.”

Theo ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales, viết trong một bài phân tích trên trang Facebook cá nhân, Việt Nam có vẻ đơn độc khi có lập trường cứng rắn hơn, chống lại Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Chủ trương của chính phủ Mỹ Donald Trump thì không rõ rệt, Philippines thì xoay trục về Trung Quốc làm cho Việt Nam lộ diện (đơn độc) hơn bao giờ hết. Nếu được cả ASEAN hậu thuẫn để có một bản thông cáo chung với lời lẽ mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam được tăng cường thêm sức mạnh để đối phó ngoại giao với Trung Quốc.

Không có hậu thuẫn, theo ông Thayer, Việt Nam sẽ khó chống chọi với áp lực của Bắc Kinh. (TN)

MỚI CẬP NHẬT