Thursday, April 25, 2024

Bắc Kinh vẫn đòi cấm ASEAN tập trận với ‘nước ngoài’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) không được kỳ thị các lợi ích hợp pháp của các nước thứ ba, theo Công Ước về Luật Biển UNCLOS.

Báo Ấn Độ The Economic Times đưa tin Ngoại Trưởng Ấn Độ S. Jaishankar thay mặt Thủ Tướng Narendra Modi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn tại Hà Nội hôm Thứ Bảy vừa qua. Ông đã phát biểu chống lại đòi hỏi của Trung Quốc buộc các nước ASEAN phải thêm vào COC điều khoản cấm các nước ngoài khu vực (như Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Úc,…) tham gia tập trận cũng như khai thác dầu khí.

Sĩ quan Hải Quân Mỹ và các nước ASEAN chào cờ trước khi khai diễn cuộc tập trận hải quân phối hợp đầu tiên Mỹ-ASEAN ở Thái Lan hôm 2 Tháng Chín, 2019. (Hình: US Navy)

Truyền thông Việt Nam khi tường thuật các tin tức về các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN với các đối tác ở Hà Nội tuần qua đều không đề cập gì những điều Ngoại Trưởng Jaishankar nêu ra. Người ta chỉ thấy guồng máy tuyên truyền của CSVN thuật lời Thủ Tướng Lý Khắc Cường đại diện Trung Quốc tham dự hội nghị, hô hào tiến hành sớm các cuộc đàm phán cho Bộ COC.

Người ta biết rằng dù đã có bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC) ký từ năm 2002, Bắc Kinh tìm đủ mọi cách trì hoãn các cuộc đàm pháp một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) (để tránh xung đột võ trang) cho đến nay gần hai chục năm vẫn chưa xong.

Các tin tức từ năm ngoái cho hay, Bắc Kinh đòi thêm vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) ba điều khoản. Thứ nhất, COC không được dựa vào các quy định trong Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Thứ hai, các cuộc tập trận quân sự chung của ASEAN với các nước ngoài khu vực phải có sự thỏa thuận của tất cả các bên (ký COC). Sau cùng là các nước ký kết COC không phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên (Biển Đông) với các nước ngoài khu vực.

Người ta nhìn thấy ngay chủ đích của Bắc Kinh muốn gạt Mỹ và các nước khác ra khỏi khu vực để Trung Quốc bá chủ. Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vừa qua đi, không có tín hiệu rõ rệt là khi nào các cuộc đàm phán cho bộ COC khi nào sẽ tái tục. Các cuộc đàm phán trước đây đã giải quyết hay thỏa thuận thế nào về ba điều kiện mà Bắc Kinh ngang ngược đòi hỏi như nói ở trên, không thấy được đề cập.

Tháng Mười Một năm ngoái, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ hoàn tất đàm phán COC vào năm 2021, nay đã gần hết năm 2020 và Brunei bắt đầu thủ tục tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên tổ chức ASEAN.

Máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-8A Poseidon tham gia cuộc tập trận Hải Quân Mỹ-ASEAN hôm 5 Tháng Chín, 2020. (Hình: Mladen/Antonov/AFP/Getty Images)

Nhiều hơn một lần, Trung Quốc đổ thừa Mỹ gây mất ổn định trên Biển Đông, thúc đẩy Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đảo nhân tạo, trong khi chính họ là thủ phạm “vừa đánh trống, vừa ăn cướp.” CSVN và một số nước, với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước khác, muốn Bộ COC “có những điều khoản hiệu quả, thực chất và mang tính ràng buộc pháp lý.”

Đã nhiều lần Mỹ đã lên án Trung Quốc giở trò “bắt nạt” và “cưỡng ép” nước khác trên Biển Đông, cũng như hối thúc các nước ASEAN chất vấn “mức độ thành thật” của Bắc Kinh trong tiến trình đàm phán COC. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT