Friday, March 29, 2024

Bộ Giao Thông CSVN đòi tăng phí, ‘móc túi’ người dân, để cứu BOT

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dư luận tại Việt Nam phản đối đề nghị của Bộ Giao Thông Vận Tải về việc tăng phí cầu đường để “cứu” các doanh nghiệp BOT, thực chất là để “móc túi” người dân bất chấp sự khó khăn chung của xã hội.

Bày tỏ với báo Người Lao Động về đề nghị này của Bộ Giao Thông Vận Tải đòi tăng phí cầu đường, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch “Hiệp Hội Vận Tải Ôtô Việt Nam,” cho rằng vào thời điểm này là không phù hợp, vì các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đang rất khó khăn sau đại dịch COVID-19.

“Các doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng lượng khách, hàng hóa cũng ít, tần suất chạy thấp. Do vậy, Bộ Giao Thông Vận Tải nên thận trọng trong việc đề nghị tăng phí một loạt trạm thu phí BOT vào thời điểm này,” ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, giám đốc công ty Vận Tải Đất Cảng (Hải Phòng), cũng cho rằng trong lúc tần suất hoạt động, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng thì phí BOT, bảo trì đường bộ đang là gánh nặng, đặc biệt là trong giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện tại.

Trong khi đó, độc giả Van Dung bày tỏ trên báo Thanh Niên: “Nếu nói không có lợi ích nhóm trong các dự án BOT cầu đường thì có lẽ sẽ không người dân nào tin. Bởi bất kỳ doanh nghiệp nào ra thương trường làm ăn cũng phải chấp nhận mọi chuyện rủi ro ‘lời  ăn, lỗ chịu,’ chứ sao có chuyện tréo ngoe là Bộ Giao Thông Vận Tải phải đứng ra chủ trì tìm mọi cách để doanh nghiệp có lãi? Tại sao bộ này luôn lo lắng cho chuyện lời, lãi cục bộ của các doanh nghiệp riêng rẽ mà không lo cho sức khỏe kinh tế của toàn xà hội, nhất là dịch COVID-19 vừa qua bất kỳ người dân nào cũng khốn đốn, nhiều thành phần kinh tế khác cũng ảnh hưởng nghiêm trọng chứ có riêng gì các dự án BOT?”

Bộ Giao Thông Vận Tải dựa vào các doanh nghiệp BOT để móc túi người dân. (Hình: H.Trọng/Thanh Niên)

“Cứu doanh nghiệp BOT thì ai cứu các doanh nghiệp khác và người dân. Chính phủ nên có quy định nào đó để an dân, không làm cho tình hình phức tạp vì đã có nhiều nơi xung đột rồi. Ai tham mưu thì phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra mất đoàn kết, tốn kém tiền của dân,” độc giả Le Duc viết.

Trước đó, nhiều tờ báo lớn của Việt Nam đưa tin cho biết Bộ Giao Thông Vận Tải đã có văn bản kiến nghị chính phủ CSVN “hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19.”

Theo thống kê của bộ này, có 58/60 dự án BOT có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.

Nguyên nhân chủ yếu do giảm giá vé cho xe cộ lân cận trạm thu phí và theo chỉ đạo của chính phủ tại Nghị Quyết 35/2016. Đặc biệt, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ với các khoản vay.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục “khiến các doanh nghiệp BOT thêm khó khăn, do lưu lượng xe giảm sâu, doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.” (Tr.N) (kn)

MỚI CẬP NHẬT