Thursday, March 28, 2024

Bộ Ngoại Giao CSVN trả lời như ‘robot’ các ‘câu hỏi về Biển Đông’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai ngày sau khi có tin Trung Quốc cho các phi cơ KJ-500 và KQ-200 hiện diện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, báo Tiền Phong hôm 16 Tháng Năm mới dẫn lời ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CSVN, lên tiếng.

Theo ông Phạm Bình Minh, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của bộ này, “thường xuyên và kịp thời tuyên bố, trả lời phỏng vấn, qua đó củng cố lập trường và đảm bảo lợi ích của Việt Nam, qua nhiều kênh kịp thời thông tin đến dư luận quốc tế.”

Chỉ tính trong năm 2019, bà Hằng được ghi nhận đã trả lời hơn 100 câu hỏi của giới phóng viên Việt Nam và quốc tế về Biển Đông nhằm “khẳng định chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, lập trường và chủ trương xử lý của Việt Nam; cung cấp quan điểm phù họp với chính sách đối ngoại của đảng và nhà nước, hài hòa lợi ích quốc gia với các quy định, luật pháp quốc tế, phản bác lại các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam…”

Tuy vậy, những người theo dõi các cuộc họp báo định kỳ của Bộ Ngoại Giao CSVN và bài tường thuật sau đó của báo nhà nước chắc hẳn nhận thấy bà Hằng luôn chỉ có một câu trả lời lặp đi lặp lại dành “cho cả trăm câu hỏi.”

Cụ thể, dù các phóng viên yêu cầu bình luận về diễn biến mới nhất ở Biển Đông và phản ứng của Hà Nội thì bà Hằng thường chỉ biết đáp lại bằng cách nhấn mạnh hai ý chính mà bà có thể đã thuộc lòng như một robot được lập trình sẵn.

Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN. (Hình: Lao Động)

Một là: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Hai là: “Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Chúng tôi luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông. Tôi cho rằng hoạt động của các nước cần phải tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông.”

Tuy vậy, công luận khó có thể trách cứ hoặc quy trách nhiệm về sự đơn điệu của bà Lê Thị Thu Hằng trong mỗi lần đưa ra phát ngôn về Biển Đông.

Bởi lẽ, bà chỉ là nhân viên đóng cho tròn vai người phát ngôn trong lúc ngay cả người đứng đầu Bộ Ngoại Giao CSVN cũng được ghi nhận khá rụt rè, thậm chí hèn kém mỗi khi Bắc Kinh có hành vi gây hấn, phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông.

Hồi cuối Tháng Tư, ông Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Luật của Đại Học Harvard, được VOA Việt Ngữ dẫn lời: “Việt Nam vẫn đang né tránh đề cập đến công hàm Phạm Văn Đồng, một tài liệu khiến Hà Nội ‘há miệng mắc quai’ trong việc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Phải nói mạnh lên mới được. Còn bây giờ cấp lớn đâu dám nói. Thủ tướng đâu dám nói, chỉ sai các văn nhân nói thôi. Ngay cả Bộ Trưởng Phạm Bình Minh khi ra trước Liên Hiệp Quốc, lúc nó (Trung Quốc) đang hành hạ Việt Nam, cũng chỉ nói ‘có những vấn đề bất ổn ở Biển Đông’ mà không nói đến tên nước Tàu.”

Phát ngôn của Giáo Sư Tài được cho là nhắc lại vụ ông Minh từng bị công luận chỉ trích gay gắt sau khi ông này đăng đàn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Mỹ, hồi cuối Tháng Chín, 2019, nhưng “kiên định” né tránh nhắc tên Trung Quốc dù có nói tới một “vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.” (N.H.K) (kn)

MỚI CẬP NHẬT