Wednesday, April 24, 2024

Cần Thơ chi triệu đô diệt chuột, nông dân thắc mắc ‘chuột đâu mà diệt’

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Phó chủ tịch thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch “Phòng chống, diệt chuột bảo vệ sản xuất giai đoạn 5 năm,” với nhiều chi phí, cách thức rối rắm, trong khi nông dân thắc mắc “chuột có mấy đâu mà diệt?”…

Báo Tuổi Trẻ cho hay hôm 13 Tháng Ba, ông Nguyễn Ngọc Hè, phó chủ tịch thành phố Cần Thơ, đã ban hành kế hoạch “Phòng chống, diệt chuột bảo vệ sản xuất giai đoạn 5 năm” (từ 2021 đến 2025) với kinh phí gần 30 tỷ đồng ($1.30 triệu) từ ngân sách thành phố và vốn đối ứng của nông dân.

Cần Thơ quyết chi hơn $1 triệu để “tập huấn” cho nông dân diệt chuột trong 5 năm. (Hình: Cần Thơ)

Theo kế hoạch, mục tiêu chung “nhằm quản lý tốt chuột gây hại một cách chủ động, đồng loạt, đúng thời điểm, đúng phương pháp, liên tục, bảo đảm sản xuất thắng lợi các vụ lúa và cây ăn quả, giúp nông dân quản lý tốt và hạn chế tối đa thiệt hại do chuột gây hại tại các quận, huyện.”

Các đơn vị gồm Sở Nông Nghiệp chủ trì cùng Sở Tài Chính, Sở Thông Tin và Truyền Thông, Hội Nông Dân, Ủy Ban Nhân Dân các quận, huyện… “phối hợp thực hiện, tổ chức tập huấn nông dân và hỗ trợ phòng trừ chuột.” Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1,500 cuộc/năm năm. Thời gian tập huấn một ngày/cuộc, một cuộc có 30 nông dân tham dự. Đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc tập huấn/năm năm.

Ngoài ra, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột. Số lượng 22,500 chiếc bẫy chuột mỗi năm, trong năm năm sẽ hỗ trợ 112,500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225,142 hécta. Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai, lễ phát động và lễ tổng kết để “đánh giá tình hình thực hiện, đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo của phong trào diệt trừ chuột.”

Thế nhưng ngày 15 Tháng Ba, nói với báo Dân Việt, ông Phan Thiện Khanh, tổ trưởng Tổ Hợp Tác Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao xã Định Môn, huyện Thới Lai, Cần Thơ, cho biết hồi đầu năm 2020, chuột gây hại lúa ở xã khá nhiều nhưng sau đó người dân đã chủ động mua rập bẫy chuột và áp dụng nhiều cách để bảo vệ ruộng lúa.

“Thời điểm này, các gia đình mua rất nhiều rập bẫy chuột, có nhà mua từ 50 đến 70 cái, ít nhất cũng 30 rập bẫy chuột. Vì vậy, đến cuối năm 2020, vụ lúa Đông Xuân có tỉ lệ lúa bị thiệt hại rất thấp, không đáng kể, số lượng chuột trên đồng cũng còn rất ít. Hiện, người dân đã không còn sợ chuột phá hại lúa như trước và hầu như không bàn tới con chuột nữa,” ông Khánh nói.

Còn ông Đoàn Tuấn Về, phó giám đốc Hợp Tác Xã Dịch Vụ Nông Nghiệp Thạnh Lộc ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ, cho biết đầu năm 2020, một số diện tích lúa của người dân trong hợp tác xã bị chuột gây hại khoảng 30%.

Sau đó, người dân đã chủ động phòng trừ nên hiện nay chuột gây hại trên lúa không còn nhiều. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua chỉ bị thiệt hại ít ở trà lúa nhỏ, ước thiệt hại khoảng 5%.

Ông Về cho hay thông thường chuột gây hại cho các trà lúa rất nhanh. Do đó, ngoài việc sử dụng các dụng cụ dẫn dụ, bắt chuột, người dân còn dùng thuốc hoá học.

Kỹ năng bẫy chuột đồng của nông dân miền Tây không cần phải “tập huấn” tốn kém. (Hình: Ngọc Trinh/Zing)

Tương tự, ông Nguyễn Cao Khải, giám đốc Hợp Tác Xã Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, cho biết vụ Thu Đông có chuột xuất hiện nhưng không đáng kể. Còn hai vụ lúa gần đây ở hợp tác xã không xảy ra tình trạng chuột gây hại trên lúa.

Trong khi đó ông Vương Đình Vũ, giám đốc Hợp Tác Xã My Hậu ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, cũng cho biết hợp tác xã của ông hiện có 30 hécta lúa trồng theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, chuột ít gây hại nên hợp tác xã “không quan tâm đến vấn đề này.”

Ông Vũ cho hay thời gian qua, do chuột xuất hiện rất ít nên trong các cuộc họp của Hợp Tác Xã My Hậu “đều không bàn về chuột gây hại.”

Khi được hỏi hiện nay người dân có cần phải tập huấn diệt chuột hay không, thì hầu hết lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp đều cho rằng “không cần,” mà nếu có “phải hay, hiệu quả hơn cách người dân đang làm,” bởi vì người dân đã rất rành trong việc phòng, trị loại chuột gây hại cho mùa màng. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT