Saturday, April 20, 2024

Chính quyền muốn bưng bít nguyên nhân gây chết cá trên sông La Ngà?

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Cả ngàn tấn cá nuôi bè chết trên sông La Ngà, gây tán gia bại sản cho nhiều gia đình, nhưng giới hữu trách Đồng Nai cả tuần sau vẫn không biết hoặc cố tình không công bố nguyên nhân khiến con sông ô nhiễm.

Nói với báo Người Lao Động ngày 23 Tháng Năm, 2019, ông Ngô Tấn Tài, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Định Quán, chỉ cho biết “đang chờ kết luận từ các cơ quan của tỉnh để có phương án định hướng cho thời gian tới.” Trong khi đó, nhiều cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Nai đưa ra những thông số y chang như năm 2018, tức không đưa ra một kết luận đáng tin cậy cuối cùng.

Cụ thể, vài ngày sau khi cá chết, Chi Cục Thủy Sản Tỉnh Đồng Nai đã lấy 13 mẫu nước, 14 mẫu cá tại khu vực cá chết hàng loạt để gửi lên các cơ quan chuyên môn cấp bộ để phân tích và hiện “vẫn còn chờ kết luận.”

Tương tự, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai sau khi xét nghiệm nguồn nước thì đưa ra kết luận là “khí độc vượt chuẩn.” Theo đơn vị này, thời điểm cá chết hàng loạt, nguồn nước sông La Ngà ở khu vực xảy ra sự việc “có nồng độ oxy hòa tan (DO) ở mức thấp, chỉ 2.6-3.2 mg/lít (mức thông thường phải từ 4 mg/lít trở lên), nồng độ Amoni và Nitrite vượt ngưỡng cho phép từ 10-20 lần.”

Sở này kết luận “do nước mưa sau những trận mưa lớn đổ về sông La Ngà đã làm tăng độc tố, khiến cá chết.” Từ đó, một nguyên nhân chung chung được đưa ra: “Sự cố cá chết là do… biến đổi môi trường.”

Khẳng định với báo Người Lao Động, nhiều hộ nuôi cá trên sông La Ngà nói đã nhìn thấy rõ luồng nước đen đặc và váng màu vàng cuộn xuống. Các bè cá trúng luồng nước trên lập tức cá bị chết hàng loạt, trong khi các bè khác không dính thì không sao.

Bà Giang, người nuôi cá bè gần 20 năm ở khu vực này cho biết nhiều năm về trước khi dòng sông còn sạch, không hề có việc cá chết như gần đây. Theo bà Giang, dòng sông đang ô nhiễm nặng, đặc biệt khi trời mưa các nguồn nước xung quanh đổ xuống, cũng không loại trừ các xí nghiệp, nhà máy xung quanh lợi dụng trời mưa để xả thải “bẩn.”

“Tôi thấy rõ luồng nước đen đặc và váng màu vàng cuộn xuống và các bè cá trúng luồng này thì cá chết hàng loạt, các bè khác thì không bị,” bà Giang nói.

Các xe tải đổ về mua giá rẻ hoặc hốt xác cá chết mang đi làm phân. (Hình: Trí Thức Trẻ)

Theo báo Người Lao Động, hiện xung quanh khu vực làng bè La Ngà có nhiều nhà máy đang hoạt động như: Nhà Máy Sản Xuất Phụ Gia Mauri, Nhà Máy Đường La Ngà, Công Ty Phúc Lộc Thọ… Các doanh nghiệp này đều từng rất tai tiếng về việc xả thải bẩn, từng bị xử phạt nhiều lần. Gần đây còn có nhiều công ty chế biến xoài trong khu vực sông cũng được coi có thể là thủ phạm gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, tại vùng này có dòng suối Tam Bung, chảy qua hai xã Suối Nho và Phú Túc, đổ ra sông La Ngà. Con suối này hiện nay đặc quánh, đen kịt, nhiều nơi sủi bọt trắng và bốc mùi nồng nặc.

Dù thực tế là vậy nhưng Ủy Ban Nhân Dân huyện Định Quán lại nhất mực cho rằng “các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên rà soát, giám sát các nguồn xả thải rất chặt chẽ.”

Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định: “Các cơ sở sản xuất tại khu vực được kiểm soát rất chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu thường xuyên được giám sát.”

Riêng ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai, thì nói nước đôi: “Nếu xác định thủ phạm là do con người thì pháp luật sẽ xử lý.”

Trong ngày 22 Tháng Năm, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai thông báo đang chờ kết luận từ các cơ quan hữu trách “nếu xác định cá chết do thiên tai thì sẽ yêu cầu tỉnh hỗ trợ người dân với tổng mức hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng ($427,711).”

Năm 2018, cũng vào thời điểm này tại khu vực này, sau một đêm mưa, gần 2,000 tấn cá đến kỳ thu hoạch của người dân cũng chết trắng bụng không kịp bán. Sau đó, rốt cuộc với những kết luận chung chung không rõ nguyên nhân, chính quyền đã rút tiền ngân sách hỗ trợ người dân hơn 10 tỷ đồng ($427,711).

Tuy nhiên, theo hàng trăm gia đình nuôi cá bè trên sông La Ngà, số tiền hỗ trợ chưa thấm vào đâu so với thiệt hại mà họ phải gánh chịu.

“Cái chúng tôi cần là phải làm rõ ai là thủ phạm gây ra thảm cảnh cá chết chứ cứ kết luận chung chung như năm ngoái thì chúng tôi không thể yên tâm làm nghề. Trong khi, nghề nuôi cá lồng bè là nghề chính nuôi sống gia đình chúng tôi,” anh Long, người vừa bị chết 40 tấn cá, vốn liếng anh “bay” 1.4 tỷ đồng ($59,879) tức giận nói. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT