Thursday, April 18, 2024

CSVN cho người Trung Quốc làm chủ nhiều khu đất ‘đắc địa’ 

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Bộ Quốc Phòng CSVN cho biết, hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, rất “đắc địa” cho hoạt động kinh doanh và quan trọng trong khu vực phòng thủ.

“Tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại.”

Báo Sài Gòn Giải Phóng trích dẫn phúc trình của Bộ Quốc Phòng gửi đến đại biểu Quốc Hội cho kỳ họp thứ 8, qua đó cho thấy một thống kê khá rõ ràng.

Theo đó, tính đến ngày 30 Tháng Mười Một, 2019, có 149 doanh nghiệp “có yếu tố Trung Quốc” gồm 92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh, đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh thành biên giới.

Trong đó khu vực biên giới đất liền có 24 doanh nghiệp, khu vực biên giới biển có 125 doanh nghiệp, có thời hạn thuê từ 5-50 năm hoạt động dưới vỏ bọc như kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…

Các tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc là Đà Nẵng (22), Quảng Ninh (17), Hải Phòng (16), Bình Định (9), Hà Tĩnh (5), Bình Thuận (5)…

Trong khi đó, báo Thanh Niên nêu cụ thể từ năm 2011 đến 2015, ở khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng.

Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào phi trường Nước Mặn…, thuộc phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), hay khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Để có được những khu đất “đắc địa” trên, có trường hợp hai người Trung Quốc đầu tư cho tám người Việt “núp bóng” mua 84 lô đất, với diện tích khoảng 20,000 mét vuông, giá trị giao dịch trên 100 tỷ đồng ($4.28 triệu).

Quanh phi trường Nước Mặn, thành phố Đà Nẵng có 21 lô đất thuộc sở hữu của người Trung Quốc, hình thành cả khu phố Tàu tại đây. (Hình: Hoàng Sơn/Thanh Niên)

Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng cho hay “còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý,” như một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch; sử dụng người lao động Trung Quốc không khai báo, ghi danh theo quy định của Việt Nam.

Thậm chí, có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân vẫn tuyển dụng lao động người ngoại quốc để làm việc. Hiện đã có 4,239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp trên (khu vực biên giới đất liền 374 người, khu vực biên giới biển 3,865 người).

Để “hạn chế nguy cơ” này, Bộ Quốc Phòng CSVN chỉ nêu chung chung cho rằng, “các bộ, ngành, Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh, thành cần tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; Chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá. Kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc Phòng tham mưu với chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.” (Tr.N) (kn)

MỚI CẬP NHẬT