Friday, April 19, 2024

CSVN không chấp nhận công đoàn độc lập vì sợ ‘bị chống phá’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vài ngày trước Quốc Tế Lao Động 1 Tháng Năm, tờ Công An Nhân Dân đăng bài thể hiện quan điểm chính thức của nhà cầm quyền CSVN về tổ chức công đoàn độc lập.

Theo đó, công đoàn độc lập bị cho là “tổ chức bất hợp pháp,” “là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá đảng, nhà nước.”

Tại các nhà máy, xí nghiệp ở Việt Nam nay chỉ còn tồn tại công đoàn nhà nước. (Hình: VNExpress)

Điều oái oăm là báo Công An Nhân Dân cũng nhắc chuyện Việt Nam đã phải sửa đổi Bộ Luật Lao Động, có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, cho phép thành lập tổ chức công đoàn độc lập “để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp Định Tự Do Thương Mại Việt Nam-Liên Minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy trên danh nghĩa là cho phép thành lập công đoàn độc lập, nhưng Hà Nội lại gây khó dễ bằng cách ban hành một nghị định, theo đó các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố thì phải được chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố đó phê chuẩn. Trường hợp một hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do bộ trưởng Nội Vụ phê chuẩn.

“Trong thời gian qua, xuất hiện một số tổ chức tự xưng mang mũ ‘độc lập,’ ‘dân chủ,’ ‘nhân quyền’ như: Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, Hội Tù Nhân Lương Tâm, Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập, Hội Anh Em Dân Chủ… Mục đích chung của các tổ chức này là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng, xuyên tạc, bóp méo chế độ chính trị, tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta,” theo báo Công An Nhân Dân.

Cùng thời điểm, nhiều báo ở Việt Nam tường thuật một buổi lễ đề cao vai trò của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam diễn ra hôm 28 Tháng Tư. Báo Zing dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước CSVN, tại sự kiện này, chỉ đạo hệ thống công đoàn nhà nước “cần chăm lo hơn cho người lao động.”

Trong những năm qua, nhà cầm quyền đã trấn áp gắt gao các hoạt động công đoàn độc lập, với việc bắt giam và phạt tù những người khởi xướng phong trào này. Hầu hết các nhà hoạt động nổi bật như bà Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sau khi mãn hạn tù, được biết là đang phải tạm lánh ở Thái Lan.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước CSVN, tại một sự kiện đề cao vai trò của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. (Hình: Zing)

Hồi Tháng Bảy, 2020, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, con gái Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người đòi cải tổ đảng CSVN, gây chú ý khi nhận làm cố vấn cho tổ chức Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam (Vietnamese Independent Union).

Trong thông cáo được đăng tải trên trang web, tổ chức này tự giới thiệu họ “là một tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi, gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các nghiệp đoàn tự do.”

Họ cũng cho biết sứ mệnh là “bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong Hiệp Định CPTPP và EVFTA.”

Tuy vậy, đến nay, sau gần một năm thành lập, các hoạt động của Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam được ghi nhận khá mờ nhạt. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT