Friday, April 19, 2024

Việt Nam-Nhật gia tăng hợp tác vì cùng phải đối phó Trung Quốc

TOKYO, Nhật (NV) – Cùng có mối âu lo giống nhau về Trung Quốc, tuy thể chế khác nhau nhưng Việt Nam và Nhật lại ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ hơn.

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, kết thúc ba ngày viếng thăm Nhật hôm Thứ Năm, 25 Tháng Mười Một, với những lời cam kết chung là đưa mối quan hệ chiến lược “lên tầm cao mới.” Những lời trong bản tuyên bố chung cả quyết “Nhật Bản và Việt Nam là đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược.”

Thủ tướng CSVN (trái) và thủ tướng Nhật trước cuộc họp hôm Thứ Tư, 24 Tháng Mười Một, ở Tokyo. (Hình: Toru Hanai-AFP/Getty Images)

Tuy không đả động gì tới Trung Quốc, bản tuyên bố chung lại bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông vì “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.” Một số báo mạng tại Việt Nam đăng tải nguyên văn bản tuyên bố chung, trong đó hai bên kêu gọi các nước liên quan “tự kềm chế” và “tránh hành động đơn phương quân sự hóa, nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình.”

Việt Nam tranh chấp với Trung Quốc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Nhật Bản tranh chấp với Trung Quốc quần đảo Senkaku. Tình hình tranh chấp Biển Đông nghiêm trọng gấp nhiều lần vì Bắc Kinh xây dựng hơn chục căn cứ quân sự quy mô tại cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nhằm khống chế toàn bộ khu vực.

Bản tuyên bố chung viết: “Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Nhật ghi nhận vai trò ngày càng tăng và đóng góp xây dựng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việt Nam khẳng định vai trò của Nhật là đối tác quan trọng và lâu dài của Việt Nam, bày tỏ mong muốn Nhật sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực và xây dựng đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.”

Tuyên bố chung cam kết đẩy mạnh tham vấn để Nhật “chuyển giao các trang thiết bị cụ thể, bao gồm tàu Hải Quân và các trang thiết bị liên quan” cho Việt Nam theo thỏa thuận đã ký Tháng Tám năm ngoái từ thời thủ tướng Nhật tiền nhiệm. Cơ quan Hợp Tác Quốc Tế của Nhật (JICA) cho phía Việt Nam vay $345 triệu để đóng sáu tàu Cảnh Sát Biển.

Hãng tin Kyodo dẫn ý kiến của ông Yakov Zinberg, giáo sư về quan hệ quốc tế, chuyên về khu vực Đông Á Châu, tại đại học Kokushikan University ở Tokyo cho rằng: “Tất cả những gì được thảo luận giữa hai thủ tướng Việt Nam và Nhật đều liên quan đến Trung Quốc trong mối quan hệ bao vây Trung Quốc.”

Theo ông Zinberg, Nhật rất quan ngại với tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi phần lớn hàng hóa Nhật xuất cảng và nhập cảng đều đi qua. Lực lượng Hải Quân Nhật đã nhiều lần tập trận với Hải Quân Mỹ trên Biển Đông. Nhiều chiến hạm Nhật gồm cả mẫu hạm trực thăng và tàu ngầm cũng đã đến thăm Cam Ranh đầu tháng này sau khi đã tập trận với Mỹ.

Ba chiếm hạm Nhật gồm tàu ngầm và mẫu hạm trực thăng thăm Cam Ranh. (Hình: JMSDF)

Nhật là nước đầu tư sản xuất đứng hàng thứ ba tại Việt Nam sau Singapore và Nam Hàn. Nhiều công ty Nhật mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam hoặc sử dụng các phụ tùng của Việt Nam cho hoạt động sản xuất của họ. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, Nhật đã cấp viện trợ cho Việt Nam $280 triệu ngân khoản tín dụng ưu đãi cho các dự án hạ tầng cơ sở.

Nhân cuộc viếng thăm của thủ tướng Việt Nam, chính phủ Nhật đã tặng thêm 1.54 triệu liều thuốc ngừa dịch COVID-19 nâng tổng số chính phủ Nhật tặng Việt Nam lên khoảng 5.6 triệu liều. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT