Friday, March 29, 2024

Cụ bà 80 tuổi ở Sài Gòn suốt 20 năm tìm ‘ổ gà’ để vá đường

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hơn 20 năm nay, cứ mỗi khi thấy con hẻm nơi mình sinh sống xuất hiện “ổ voi, ổ gà” là bà cụ lại mua xi măng về lấp cho bằng phẳng, chỉ mong người dân đi lại được an toàn.

“Cả xóm ai cũng biết bà Xin, bà già lắm rồi, mắt kém, đi còn phải chống gậy nữa mà cứ thấy trong hẻm chỗ nào có ổ gà là bà mua xi măng về trám liền. Tui ở đây hơn chục năm, rất nhiều lần thấy bà đi làm đường kiểu vậy,” bà Mì (49 tuổi), một người dân sống chung hẻm 623 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, nói với báo Thanh Niên khi nhắc về bà Trần Thị Xin (80 tuổi) – người chọn niềm vui là “sự an toàn cho người đi đường.”

Hàng xóm khi nhắc đến bà Xin đều gật gù: “Bà già rồi, đi không nổi mà vẫn bỏ tiền túi ra mua xi măng về trám đường. Mấy ai có lòng được như bà đâu.”

Bà Xin không có chồng con. Su khi cha mẹ với hai anh trai mất thì bà sống cô đơn trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm, bán than để sống qua ngày.

Nhà bà rất cũ, như chính tuổi đời của bà. Cánh cửa gỗ sơn xanh đã cũ, khóa cài cửa là kiểu “ngày xưa” với miếng sắt dẹp, một đầu thẳng một đầu cong, khi muốn khóa thì chỉ việc móc đầu cong của miếng sắt vào gờ tường là được.

Thấy có người đứng lấp ló bên ngoài, bà hỏi lớn: “Mua than hả con,” đoạn, bà với lấy cây gậy để chống rồi từ từ bước ra mở cửa.

Bà Xin sống một mình kể từ khi người thân lần lượt qua đời. (Hình: Thanh Niên)

Qua khe hở trên cửa sổ, ước chừng khoảng cách từ chiếc giường nơi bà nằm ra đến cửa chỉ tầm 3 mét, nhưng bà phải mất gần hai phút để đi, thay vì chỉ vài giây như một người khỏe mạnh bình thường. Vậy mà suốt 20 năm qua, bà tự mua xi măng về trộn, cẩn thận trám từng “ổ gà” trong con hẻm.

Nói về công việc “vá đường” của mình, bà Xin kể, hồi trước, trong hẻm có nhiều “ổ gà,” mấy đứa nhỏ chạy đi chơi vấp phải là té chảy máu chân, bà thấy xót lắm. Còn chưa nói tới mấy ngày trời mưa, mưa to mưa nhỏ gì cũng đọng nước khắp nơi. Xe gắn máy chạy ngang qua thì nước văng tung tóe, có người không để ý còn ngã xe rất nguy hiểm.

Thấy vậy, bà Xin quyết định mua xi măng về trộn, rồi tự mình đi trám tất cả những “ổ gà” trong hẻm. Để xi măng nhanh khô và mọi người biết đường mà tránh khi chạy xe qua, bà còn cẩn thận lấy nhiều tấm ván đặt làm dấu ngay những chỗ hỏng vừa được lấp trên đường.

Khi được hỏi bà lấy tiền đâu để mua xi măng, có tốn kém lắm không, bà phẩy tay: “Ôi giời, chả mất bao nhiêu tiền. Xưa tôi lấy tiền bán tạp hóa, giờ thì có tiền bán than đây. Mà cũng nhiều cô cậu thanh niên thấy tôi làm vậy thì đóng góp thêm vài chục, một trăm nghìn để mua xi măng. Có hôm còn ra phụ tôi trám ổ gà nữa.”

Từ dạo ấy đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, bà Xin vẫn miệt mài “vá đường” mỗi khi lớp xi măng cũ mòn đi hoặc nứt ra để lộ những ổ gà xấu xí.

“Trên phường người ta cũng xuống thăm hỏi, khen thưởng tôi đã có công giữ gìn đường xá sạch đẹp. Riêng tôi thấy đó không phải việc gì to lớn, cứ cái gì vừa sức thì mình làm. Người ta xây đường thì mình phải gìn giữ. Tôi còn sức thì còn làm, chỉ mong bà con đi lại được an toàn thôi,” bà cười nói.

Chỉ tay về phía tấm ảnh người đàn ông trên bàn thờ, bà xúc động nói: “Anh trai tôi, hồi xưa lúc tôi phải phẫu thuật khớp, ông là người chạy khắp nơi kiếm tiền lo thuốc thang, viện phí. Từ hồi ông ấy mất thì tôi ở một mình, mấy đứa cháu sợ buồn nên đòi đưa tôi sang Mỹ ở chung, mà thôi, ở đây còn lo hương khói chứ đi rồi ai mà lo.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT