Wednesday, April 24, 2024

Cựu tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam chủ mưu tham ô hơn $2 triệu

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Viện Kiểm Sát Quân Sự Trung Ương vừa ra cáo trạng truy tố bảy bị can trong vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Theo báo VNExpress hôm 2 Tháng Hai, sau chín tháng bị bắt tạm giam, đầu năm 2023, bị can Nguyễn Văn Sơn, 59 tuổi, cựu trung tướng, cựu tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam, bị Viện Kiểm Sát Quân Sự truy tố về tội “tham ô tài sản,” theo Khoản 4 Điều 353 Bộ Luật Hình Sự với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Bị can Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng, cựu tư lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam. (Hình: Hoàng Phong/VNExpress)

Bị can Sơn được xác định “có vai trò chủ mưu, khởi xướng” chỉ đạo “rút ruột” 50 tỷ đồng ($2.1 triệu) từ ngân sách mua thiết bị để ăn chia với bốn cán bộ dưới quyền, nên phải chịu trách nhiệm chính.

Trong vụ án, ngoài bị can Sơn, sáu bị can bị truy tố cùng tội danh gồm Hoàng Văn Đồng, cựu trung tướng, cựu chính ủy; Doãn Bảo Quyết, cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy; Phạm Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh; Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu cục trưởng Kỹ Thuật; và Bùi Văn Hòe, cựu thượng tá, cựu phó Phòng Tài Chính Cảnh Sát Biển.

Vụ án bắt đầu Tháng Sáu, 2020, khi bị can Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan hữu trách, kèm theo hai băng ghi âm thể hiện có tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số người là thủ trưởng Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển. Đầu năm 2022, vụ án được khởi tố.

Cáo trạng xác định từ Tháng Hai, 2019, khi Bộ Quốc Phòng giao cho Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển dự toán ngân sách nhà nước chi quản lý hành chính năm 2019, với tổng số tiền 450 tỷ đồng (gần $19.2 triệu).

Trong số tiền này, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển phân bổ 150 tỷ đồng (gần $6.4 triệu) cho Cục Kỹ Thuật để mua sắm vật tư, thiết bị.

Bị can Sơn khi đó là tư lệnh Cảnh Sát Biển, đã gặp bị can Hưng và đưa ra yêu cầu “khi mua sắm vật tư, thiết bị, phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư Lệnh sử dụng.”

Bị can Hưng đáp lại, Cục Kỹ Thuật chưa bao giờ làm việc này, muốn rút ra số tiền trên cần có sự thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư Lệnh. Ngay sau đó, bị can Sơn tạo điều kiện cho Cục Kỹ Thuật bằng cách chỉ đạo phân bổ thêm 29 tỷ đồng ($1.2 triệu), khiến ngân sách cho đơn vị này tăng lên 179 tỷ đồng ($7.6 triệu).

Tháng Tư, 2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển, bị can Sơn cùng bị can Hoàng Văn Đồng và ba bị can Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng nói về việc “rút” 50 tỷ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ Thuật và tất cả đều đồng ý thực hiện.

Đến lượt mình, bị can Hưng lại yêu cầu sáu trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ Thuật phải rút đủ số tiền trên. Khi bị họ phản ứng là khó, bị can Hưng cho rằng: “Phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành.”

Sau đó, mỗi trưởng phòng dưới quyền bị can Hưng được giao chỉ tiêu phải “rút ruột” từ 50 triệu đồng ($2,132) đến 25 tỷ đồng ($1 triệu) để đủ chỉ tiêu bị can Sơn yêu cầu.

Những trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có chín gói giá trị dưới 10 tỷ đồng ($426,449) để Tư Lệnh Cảnh Sát Biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc Phòng.

Ngoài ra, họ “đặt vấn đề” với các nhà thầu để nâng giá, nhằm “hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi.” Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển ký với 16 doanh nghiệp, giúp rút ruột ngân sách 50 tỷ đồng.

Trụ sở Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam. (Hình: Người Tiêu Dùng)

Có được số tiền này, bị can Sơn chia cho mình và bốn bị can Đồng, Hậu, Quyết và Dũng mỗi người 10 tỷ đồng ($426,500). Sau khi bị phát hiện, họ đã nộp lại số tiền này.

Riêng sáu trưởng phòng thuộc Cục Kỹ Thuật, cơ quan tố tụng xác định họ “có mối quan hệ lệ thuộc,” thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỷ đồng sau đó bị chia cho cá nhân nên không bị xử lý hình sự. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT