Thursday, March 28, 2024

Đại biểu Quốc Hội bị chửi vì muốn dân xuất cảnh phải đóng ‘phí chia tay’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Tôi có một suy nghĩ, nên chăng Việt Nam chúng ta cũng giống một số nước khi công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là ‘phí chia tay’ với khoảng $3 tới $5 mỗi người. Số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân, trợ giúp công dân Việt Nam khi công dân ra nước ngoài…” Đó là phát ngôn của “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Quốc Hưng được báo InfoNet ghi nhận hôm 12 Tháng Sáu.

Đề nghị của ông Hưng được cho là “lấy cảm hứng” từ việc chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách thu thuế xuất cảnh (departure tax, còn gọi là thuế du lịch quốc tế – international tourist tax) từ Tháng Giêng, 2019, với mức 1,000 yen Nhật ($9.2)/người khi họ rời Nhật bằng máy bay hoặc tàu biển.

Báo Infonet còn dẫn một ý khác trong phần phát biểu tại nghị trường của ông Hưng: “Có một số nước khi công dân Việt Nam nhập cảnh thì phải xếp hàng vào một khu vực khác với công dân nước khác. Đây là hình ảnh phản cảm, rất mong các cơ quan của Việt Nam phải bảo hộ quyền công dân khi ra nước ngoài.”

Ông Hưng được ghi nhận là đại biểu Quốc Hội CSVN khóa XIV nhiệm kỳ 2016–2021, thuộc đoàn đại biểu Hà Nội. Ông đã trúng cử “đại biểu Quốc Hội” năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 7 (gồm Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai) với tỷ lệ 61.58% số phiếu hợp lệ. Ông hiện là ủy viên thường trực Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội, phó chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Palestine… và có học vị tiến sĩ triết học.

Phát ngôn mới nhất của ông Hưng lập tức hứng chịu nhiều chỉ trích trên diễn đàn “Tôi và Sứ Quán.” Facebooker Thi Mai Huong Ngo bình luận trên diễn đàn này: “Các nước khác có khoản phí này nhưng công dân của họ có vấn đề gì thì họ ưu tiên xử lý đầu tiên. Thử hỏi các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài mỗi khi công dân có vấn đề gì họ có giúp không? Không bị bắt chẹt là còn may. Tôi đã có kinh nghiệm khi bị mất hộ chiếu tại nước ngoài và khi đến làm việc với sứ quán Việt tại nước đó. Quả là đề xuất dở người.”

Trong một diễn biến khác, hôm 3 Tháng Sáu, cộng đồng mạng tranh cãi về chuyện không thông qua được luật cấm uống rượu bia khi lái xe vì hơn phân nửa “đại biểu Quốc Hội” không tán thành phương án cấm người chạy xe mà “trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.” Kết quả biểu quyết làm dấy lên cáo buộc rằng các “đại biểu Quốc Hội” đã bị “nhóm lợi ích” liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia vận động.

Liên quan đến chất lượng của “đại biểu Quốc Hội” và việc bàn thảo luật tại nghị trường, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, viết trên trang cá nhân: “Tại các cơ quan của Quốc Hội, nhằm vào bộ máy tham mưu mà lobby. Trường hợp gặp chủ nhiệm một ủy ban của Quốc Hội cứng tay buộc phải sửa luật thì cơ quan soạn thảo tiếp tục tung hỏa mù để giữ lại những nội dung được nuôi dưỡng bằng tiền. Đó là lý do nhiều dự luật có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và các ủy ban của Quốc Hội, nhưng thế thượng phong cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan soạn thảo. Đây là bi kịch của một cơ quan lập pháp nhưng việc soạn thảo các dự luật hầu hết đều do cơ quan hành pháp đưa tới. Việt Nam lại không có cơ quan bảo hiến, nên không có công cụ gì để ngăn chặn những đạo luật vi hiến.” (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT