Saturday, April 20, 2024

Đắk Nông: Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị phạt như ‘gãi ngứa’

ÐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Đổ bừa bãi chất thải độc hại của nhà máy luyện bột alumin ở Đắk Nông ra môi trường nhưng chỉ bị phạt hành chính tượng trưng với một số tiền rất nhỏ.

Hôm Thứ Bảy, 31 Tháng Tám, 2019, tờ Người Lao Động cho hay, tỉnh Đắk Nông đã “ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 1.5 triệu đồng đối với công ty CP thương mại Đức Thành” ở Sài Gòn vì “đổ 2,200 mét khối chất thải công nghiệp lên khu vực đất do nhà nước quản lý.”

Đồng thời, theo lời “một lãnh đạo xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông” nói với tờ Người Lao Động thì nhà cầm quyền xã cũng yêu cầu công ty Đức Thành “thu hồi toàn bộ số chất thải, trả nguyên hiện trạng.”

Nguồn tin dẫn lời viên chức vừa kể giải thích một chuyện bị coi là sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng chỉ bị phạt hành chính theo kiểu gãi ngứa là “Việc xử phạt số tiền trên, chúng tôi đã căn cứ vào quy định của pháp luật, không thể làm khác được.”

Chỉ thấy bản tin của tờ Người Lao Động đưa tin công ty Đức Thành bị phạt cho việc đổ lén 2,200 mét khối chất thải của nhà máy Alumin Nhân Cơ. Nhưng trên tờ tạp chí “Môi trường và Đô thị” bản hợp đồng ký ngày 31 Tháng Năm, 2019 giữa ban giám đốc nhà máy Alumin Nhân Cơ với công ty Đức Thành chứng tỏ một lượng rất lớn chất thải của nhà máy đã bắt đầu được công ty vừa kể thu gom rồi đi đổ từ ngày 1 Tháng Sáu 2019, không phải chỉ có 2,200 mét khối.

Báo Môi Trường và Đô Thị là của “Hiệp Hội Môi Trường-Đô Thị và Khu Công nghiệp Việt Nam” cho biết.

Bản hợp đồng giữa nhà máy Alumin Nhân Cơ và công ty Đức Thành ở Sài Gòn xác định số lượng thu gom và đổ. (Hình: Đô thị và Môi trường)

“Hợp đồng xác định bắt đầu từ ngày 1 Tháng Sáu, 2019 đến hết ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019, tức trọn bảy tháng với số lượng thu gom mỗi ngày được liệt kê trong hợp đồng là 242 tấn mỗi ngày. Nếu chỉ lấy 30 ngày một tháng, số lượng chất thải các loại gồm “tro bay nhà máy nhiệt điện,” “xỉ đáy nhà máy nhiệt điện” và “xỉ lò từ nhà máy khí hóa than” tổng cộng 7,260 tấn. Nếu công ty Đức Thành tiếp tục đổ đến hết hợp đồng suốt cả bảy tháng sẽ là 50,820 tấn chất thải độc hại sẽ làm một vùng rộng lớn ở Đắk Nông bị ô nhiễm trầm trọng.”

Bản họp đồng đòi hỏi công ty Đức Thành phải “đảm bảo các quy định về môi trường” nhưng công ty này tuy biết vậy mà vẫn ngang nhiên làm bậy, chứ không phải họ không biết. Còn nhà máy Alumin Nhân Cơ sau khi ký bản hợp đồng coi như hết trách nhiệm, coi việc phải bảo vệ môi trường từ các loại chất thải độc hại của nhà máy, vốn là trách nhiệm của họ, không còn dính líu.

Trên tờ Môi Trường và Đô Thị ngày 20 Tháng Tám, 2019, nguồn tin cho hay “hồi đầu Tháng Tám, sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND xã Đắk Nia đã mật phục bắt quả tang nhiều đoàn xe chở chất “lạ” đổ trộm vào khu vực mỏ đá 4A – khu vực giáp ranh xã Đắk Nia và xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long).

Tại hiện trường, chính quyền xã Đắk Nia phát hiện đoàn xe này đều của công ty Đức Thành quản lý. Nguồn gốc chất thải mà công ty Đức Thành đổ ra môi trường là các tro bay, xỉ đáy nhà máy nhiệt điện và xỉ lò nhà máy khí hóa than trong nhà máy Alumin Nhân Cơ vận chuyển ra.”

Nói khác, công ty Đức Thành đã đổ một lượng rất lớn chất thải của nhà máy Alumin Nhân Cơ nhiều hơn nhiều số lượng bị phạt, hiện chưa thấy có cuộc điều tra nào để xác định các địa điểm và số lượng chất thải bị đổ lén, không theo đúng các quy định về giải quyết các loại chất thải độc hại.

Tờ Môi Trường và Đô Thị dẫn ý kiến của Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng (thuộc tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam – TKV) cho biết “trong tro bay thường còn lẫn các thành phần carbon không cháy hết, gọi là unburned carbon, nếu thu hồi được thì rất tốt vì đó là than. Các thành phần còn lại của tro than bị lẫn vào trong đó và bay ra, chủ yếu gồm oxit nhôm, oxit sắt, oxit silic và tùy theo nguồn gốc của than thì có thể chứa các kim loại nặng.”

Chính vì thế, theo ông Sơn, “về nguyên tắc phải có chỗ xử lý, bảo quản tro xỉ, không phải chỗ nào cũng đổ được, hoặc đổ ra mà không xử lý, không thiết lập thành kho bãi, không lu lèn hay trải vải địa kỹ thuật trước khi đổ.”

“Tro xỉ chứa nhiều kim loại nặng, sau này ngấm vào đất, nguồn nước rất nguy hiểm. Đặc biệt, chỗ nào đổ xỉ than, tro bay thì không thể trồng cấy được bởi thành phần của nó như đã nói, đủ các loại oxit kim loại, đặc biệt là kim loại nặng, tùy theo nguồn gốc than nhập mà tỷ lệ các thành phần đó có sự khác nhau.”

Trên tờ Đất Việt ngày 19 Tháng Tám, ông Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường, cho biết “xỉ than, tro bay của nhà máy nhiệt điện chứa nhiều chất độc hại, trong đó có các kim loại ở dạng bụi, khi đổ ra môi trường chúng bay trong không khí, thấm vào nước, chảy theo dòng nước mặt làm cho thủy vực nơi đó ô nhiễm.” Bởi vậy “Ô nhiễm này rất khó khắc phục, phải có biện pháp xử lý riêng rẽ, cẩn thận và theo quy trình nghiêm ngặt mới không chế được tro bay.”

Nay chỉ thấy phạt công ty Đức Thành một chút tiền nhỏ nên trên tờ Người Lao Động, người ta thấy nhiều độc giả của tờ báo phẫn nộ quyết định phạt hành chính như thế “nói lên tất cả.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT