Friday, March 29, 2024

Đàm phán COC khó khăn vì Việt Nam muốn chặn Trung Quốc nuốt trọn Biển Đông

BẮC KINH (NV) – Các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông sẽ rất khó thành công vì lập trường của Việt Nam muốn có những điều khoản nhắm chặn tham vọng của Bắc Kinh.

Các nước ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận một bản dự thảo khung về các mục sẽ thảo luận cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) sau nhiều kỳ thảo luận khó khăn. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Reuters, Việt Nam vẫn muốn thúc đẩy những điều khoản ràng buộc ngược với cái Bắc Kinh muốn.

Hà Nội muốn thỏa hiệp cấm các hành động, mà Bắc Kinh làm ở khu vực đang tranh chấp chủ quyền từ nhiều năm qua, gồm cả xây dựng các đảo nhân tạo, ngăn cản tự do hải hành, phi hành và bố trí các loại võ khí tấn công như hỏa tiễn, theo bản dự thảo đàm phán COC mà Reuters được đọc.

Bản dự thảo đàm phán cũng thấy Hà Nội muốn cấm không được thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không ADIZ (Air Defense Indentification Zone) cái thứ mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố tại vùng biển Hoa Đông năm 2013 và không được nước nào công nhận. Bắc Kinh không không xác định sẽ không lập ADIZ tương tự trên Biển Đông, buộc máy bay các nước bay qua đó phải xác nhận lý lịch cho nhà cầm quyền Trung Quốc.

Hà Nội cũng đòi các nước phải làm rõ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông căn cứ trên Luật Biển Quốc Tế. Nếu điều này được chấp thuận sẽ vô hiệu hóa đường 9 đoạn “Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông.

“Cho những kỳ đàm phá sắp đến, người ta nhìn thấy sẽ có những trao đổi gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là về bản dự thảo này.” Ông Ian Stoney, một nhà phân tích nổi tiếng về Biển Đông, nhận định. “Việt Nam muốn bao gồm cả những điểm hay hoạt động mà họ muốn cấm ở trong bộ COC vì Trung Quốc từng làm suốt 10 năm qua.”

Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viện Bộ Ngoại Giao CSVN, cho hay các cuộc đàm phán cho bộ COC đã có một số tiến bộ gần đây. Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và các nước khác cũng biểu lộ “tinh thần hợp tác và xây dựng.”

“Việt Nam mong muốn các nước liên quan tiếp tục các nỗ lực và đóng góp tích cực cho tiến trình đàm phán hầu đạt được một bộ COC thực chất và hữu hiệu tương ứng với luật quốc tế, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, và đặc biệt đóng góp duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông và nói chung ở khu vực.”

Ngoại trưởng Singapore, nước đang làm chủ tịch luân phiên ASEAN không trả lời khi được yêu cầu bình luận. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Thái Lan cũng từ chối bình luận mà chỉ nói Thái chắc chắn hậu thuẫn cho một bản dự thảo đàm phán duy nhất. Nước Thái sẽ là chủ tịch luân phiên của 10 nước ASEAN năm 2019, còn Việt Nam thì năm 2020.

Trung Quốc muốn cấm ASEAN tập trận với “bên ngoài.”

Bản dự thảo đàm phán Bộ COC, mà hãng thông tấn Reuters được nhìn thấy, xác nhận lại những thông tin từng có trước đây là Trung Quốc muốn các cuộc tập trận của các nước ASEAN với các cường quốc quân sự bên ngoài khu vực phải dẹp bỏ trừ phi được tất cả các bên cùng ký trên thỏa hiệp COC đồng ý.

Thêm nữa, Bắc Kinh còn muốn cấm các công ty dầu khí bên ngoài khu vực tham gia liên doanh dò tìm và khai thác dầu khí ở cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Nhiều nhà phân tích thời sự cho rằng cả hai đòi hỏi vừa kể của Bắc Kinh sẽ bị một số nước khu vực chống đối mạnh mẽ.

“Điều đó không thể chấp nhận,” một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên nói với thông tấn Reuters, đặc biệt khi đề cập chuyện cấm tập trận chung với các nước ngoài khu vực.

Trong một bản tuyên bố gửi tới thông tấn Reuters, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói các cuộc đàm phán COC được bảo mật nên không thể bình luận. Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên dự trù sẽ diễn ra tại Myanmar vào quý đầu của năm 2019, một nhà ngoại giao ASEAN cho hay.

Tháng Tám, 2018, các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN ca ngợi những thành công sơ khởi cho một bản dự thảo duy nhất là bước “đột phá” đáng kể để từ đó đàm phán chi tiết cho bộ COC. Phía Việt Nam đòi hỏi phải có các điều khoản ràng buộc pháp lý để Bộ COC có hiệu lực thực sự nhưng không được đưa vào trước áp lực của Bắc Kinh và một số nước được Bắc Kinh mua chuộc.

Theo các ghi nhận của Reuters, rất có thể Hà Nội sẽ trở thành đơn độc khi muốn khối ASEAN cùng vạch một đường ranh giới hạn tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. (TN)

MỚI CẬP NHẬT