Friday, April 19, 2024

Nghèo đói, mất việc, dân miền Tây theo nhau tha phương cầu thực

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Nghèo đói, không có việc làm, biến đổi khí hậu làm vùng đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) nổi tiếng trù phú xưa kia, nay cư dân theo nhau tha phương cầu thực.

Theo một bản báo cáo kinh tế hàng năm mới nhất về khu vực đồng bằng Sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện sau hơn một năm nghiên cứu, thập niên vừa qua có gần 1.1 triệu người đã rời bỏ vùng đất này để di cư tới các khu vực khác kiếm sống.

Sông rạch ở Sóc Trăng cạn queo, một nông dân mò mẫm một vũng bùn xem còn cái gì không. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Con số vừa kể được mô tả là còn nhiều hơn tổng số dân của một tỉnh trong khu vực, và tương đương với số người gia tăng tự nhiên cho toàn vùng. Phần lớn họ chạy tới Sài Gòn và khu vực Đông Nam Bộ kiếm sống.

Theo tờ Dân Việt thuật lại bản báo cáo nói trên, nhiều nguyên nhân đã thúc đẩy người ta rời bỏ vùng đất trù phú vốn là vựa lúa không những nuôi cả nước mà còn thặng dư nhiều để xuất cảng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng còn được gọi là Miền Tây của miền Nam Việt Nam gồm 13 tỉnh thành là Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Dân số khoảng hơn 17 triệu người (18% dân số cả nước) trên một diện tích đất chiếm 13% cả nước với một hệ thống sông rạch chằng chịt. Diện tích trồng lúa, theo thống kê của nhà cầm quyền trung ương, chiếm 47% diện tích khu vực và sản lượng khoảng 56% sản lượng lúa cả nước nhưng lại là khu vực nghèo hơn mức nghèo trung bình của cả nước.

“Tình trạng dịch bệnh, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long trở nên bấp bênh.”

Tờ Dân Việt ngày Chủ Nhật 13 Tháng Mười Hai kể. “hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở dồng bằng Cửu Long là chế biến thủy hải sản, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp khó phát triển.”

“Các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động chế tạo, chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp. Chưa dừng lại ở đó, ngành công nghiệp còn đang bị cản trở bởi nút thắt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với Đông Nam Bộ.”

Ruộng lúa bị hạn mặn xâm nhập, chết trắng. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hơn hai tuần trước, trang mạng của đài VTV kể là “tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang có 1,000 hộ dân với khoảng 4,000 nhân khẩu. Khoảng 80% dân số nằm trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, 3/4 trong số đó đã ly hương mưu sinh nơi xứ người.”

Hôm 12 Tháng Mười Hai, 2020, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tới tỉnh Thái Bình khánh thành tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam” đã đọc bài diễn văn kể lể “Chúng ta cần giáo dục cho con cháu chúng ta về lòng biết ơn đối với người nông dân ta.” Ông nhắc lại câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” rồi nói thêm “hôm nay đếm chén cơm đầy, bao nhiêu hạt gạo ơn người trồng bấy nhiêu.”

Bây giờ, người nông dân miền Tây bán mặt cho đất bán lưng cho trời để xuất cảng lúa gạo lấy đô la nuôi đảng độc tài, phải tha phương cầu thực vì đất không nuôi nổi người nữa, không thấy ông Nguyễn Xuân Phúc đến đó đọc diễn văn. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT