Tuesday, April 16, 2024

Dân miền Trung Việt Nam vất vả đối phó bão Podul

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… cấp tốc gặt lúa, kêu gọi tàu thuyền về, chằng chống nhà cửa…, trước khi bão Podul (bão số 4) đổ bộ vào Việt Nam.

Theo Trung Tâm Dự Báo Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, bão Podul (bão số 4), đang di chuyển với tốc độ nhanh hướng vào khu vực miền Trung các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 cây số tính từ tâm bão.

Tâm bão đi vào khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, tuy nhiên vùng mưa mở rộng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Bắc Bộ và Tây Nguyên với lượng mưa trong nhiều ngày khoảng 250-400 mm.

Theo báo Zing, trưa 29 Tháng Tám, một trận lốc xoáy với cường độ mạnh bất ngờ quét qua xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Sau 10 phút hoành hành, lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 42 căn nhà. Trận lốc xoáy cũng khiến hai người dân phải nhập viện do bị vật cứng văng trúng. Ngoài ra, nhiều cột điện cùng cây cối, hoa màu cũng bị quật ngã.

Nhiều ngôi nhà ở Hà Tĩnh bị sập, tốc mái sau trận lốc xoáy trước khi bão số 4 đổ bộ. (Hình: Người Đưa Tin)

Báo VNExpress cho hay, để đối phó với mưa bão, từ sáng sớm cùng ngày, người dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vội vã ra đồng gặt lúa Hè Thu. “Lúa chưa đến độ chín vàng, nhưng giờ không thể chờ được nữa, nếu bão vào thì mất trắng,” ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh, nói.

Trong ngày hôm nay, 12,460 người dân của 985 gia đình phải di tản ra khỏi vùng đe dọa trực tiếp của bão, tập trung ở khu kinh tế Vũng Áng, Nghi Xuân, Kỳ Anh và Thạch Hà.

Tại Quảng Bình, hàng ngàn người dân ở các xã ven biển bãi ngang Đức Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quang Phú, phường Hải Thành, xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh)… phải hối hả đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu, tháo dỡ cầu phao bắc qua sông Dinh phòng tránh hư hỏng khi bão đổ bộ và thuận tiện cho tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.

Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trường Thành, chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn Nghệ An, cho biết từ 5 giờ sáng 29 Tháng Tám, tỉnh thông báo cấm không cho tàu thuyền ra khơi. Hơn 3,900 tàu thuyền các loại hầu hết đã trở về đất liền. Tại thị xã Cửa Lò đang còn hơn 1,000 du khách lưu trú, chính quyền cũng đã thông báo cấm tắm biển.

Tương tự tại Quảng Trị, từ tối 28 Tháng Tám, nhiều gia đình đã ra đồng gặt lúa Hè Thu tránh bão. Toàn tỉnh còn 5,500 hécta lúa Hè Thu chưa thu hoạch. Diện tích này do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nên “trổ muộn, chậm lịch thời vụ.”

Riêng tỉnh Quảng Trị, hiện còn chín tàu cá đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, với 102 thuyền viên chưa liên lạc được. Tỉnh đang phối hợp với nhiều cơ quan hữu trách để kêu gọi các tàu vào nơi trú tránh an toàn.

Người dân dùng bao cát chống bão số 4 ở Hà Tĩnh. (Hình: Zing)

Trước đó, hơn 2,300 tàu thuyền với 7,000 thuyền viên nhận thông tin, hướng di chuyển của bão Podul và về nơi trú tránh.

Do ảnh hưởng của bão, rạng sáng 29 Tháng Tám, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to, kéo dài nhiều tiếng. Hiện còn 52 tàu thuyền với 430 ngư dân đánh bắt xa bờ ở vùng biển Đảo Cồn Cỏ, Đà Nẵng “đang di chuyển vào bờ.”

Riêng lúa Hè Thu, tỉnh đã gặt sớm 22,200 hécta, vẫn còn 1,100 hécta ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới “chưa kịp thu hoạch.”

Báo Tiền Phong dẫn phúc trình nhanh từ các tỉnh cho biết, hiện các nơi đã lên kế hoạch sơ tán trên 62,600 người dân. Trong đó Nghệ An trên 26,300 người, Hà Tĩnh trên 12,400 người, Quảng Bình trên 12,400 người và Quảng Trị trên 11,300 người.

Sáng cùng ngày, tại Quảng Ngãi có mưa kéo dài, gió nhẹ. Tại Cảng Sa Kỳ, các tàu bè đi Lý Sơn đã dừng hoạt động theo yêu cầu của Cảng Vụ Quảng Ngãi.

Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh cho biết, lúc 5 giờ sáng nay còn 654 tàu với 6,369 ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vùng biển phía Bắc và các tỉnh đang được giới hữu trách hướng dẫn, liên lạc để tìm nơi tránh bão.

Do ảnh hưởng của bão số 4, chiều tối 29 Tháng Tám, tại Hà Nội có mưa giông lớn khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường phố bị bật gốc, gãy đổ, đè vào người và xe cộ, đã có một người thiệt mạng, giao thông tắc nghẽn. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT