Thursday, March 28, 2024

‘Đảng cử, dân bầu’ tại Việt Nam, ‘nhiều khu vực đạt 100%’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tờ Người Lao Động hôm 23 Tháng Năm dẫn lời ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký Quốc Hội CSVN nói: “Nhiều địa phương đã có tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, nhiều khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri đi bầu cử.”

Theo ông này, tỷ lệ đi bầu tuyệt đối diễn ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Bình Phước… và “các khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang.”

Nhân viên y tế đo thân nhiệt một người dân đi bỏ phiếu tại Hà Nội. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng nhà cầm quyền “không vì thành tích mà chạy theo tiến độ, lơ là chuyện phòng chống dịch COVID-19.”

Cùng ngày, theo truyền thông nhà nước, các thùng phiếu được lắp đặt tại những khu cách ly tập trung, trại giam… để bảo đảm con số hơn 69 triệu cử tri cả nước bỏ phiếu.

Tỷ lệ bỏ phiếu tuyệt đối vốn là thông lệ của nhà cầm quyền tại mỗi kỳ bầu cử và bỏ phiếu bầu nhân sự tại các kỳ họp Quốc Hội.

Báo mạng Zing dẫn phát ngôn của ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, người đi bỏ phiếu tại thành phố Hải Phòng: “Không khí bầu cử rất nô nức, phấn khởi, hăng hái, toát lên từ nét mặt của mọi người. Đó thực sự là ngày hội non sông.”

Tuy vậy, tương phản với loạt bài tuyên truyền trên báo nhà nước, mạng xã hội dấy lên những ý kiến bất bình về chuyện đảng mô tả cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu là “ngày hội non sông.”

Ông Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán Học Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân. Thực hiện quyền bầu cử là việc bình thường. Nếu nói bầu cử là ‘ngày hội non sông’ thì có phải ngày hội của chúng ta không giống ngày hội của các nước? Tất cả các nước đều có ngày bầu cử. Nhưng không nước nào gọi ngày bầu cử là ngày hội non sông.”

Ông Chu đặt câu hỏi: “Có phải chúng ta thiếu niềm vui đến nỗi khi thực hiện một trong những quyền cơ bản của công dân mà đã vui mừng đến mức trở thành ngày hội non sông?”

Cùng thời điểm, ông Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên chỉ trích trên trang cá nhân: “Đã là quyền của công dân, thì để công dân tự giác thực hiện, tại sao cứ phải nhắn tin, phát loa, kêu gọi ra rả trên TV báo đài, xe cổ động đốc thúc. Rất tốn kém, màu mè, hình thức. Khi đã xem nhẹ dân, nghi ngờ dân, không tin dân thì mới làm vậy.”

Một ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, theo báo Công An Nhân Dân, ông Phạm Văn Việt ở tỉnh Hải Dương bị bắt với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ.” Ông Việt bị công an quy chụp là “thường xuyên đe dọa, ngăn cản người dân đi bầu cử, khiến người dân và chính quyền địa phương lo lắng.”

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN (giữa) đi bỏ phiếu tại Hà Nội hôm 23 Tháng Năm. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Một trường hợp khác, ông Trần Ngọc Sơn ở tỉnh Vĩnh Phúc, bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo báo điện tử Đài Truyền Hình Việt Nam, ông Sơn “đăng tải nhiều post Facebook xuyên tạc về bầu cử.”

Một post Facebook được cho là của ông Sơn viết: “Bọn Mỹ lắm chuyện. Bầu cử xong rồi mà luật pháp vẫn soi mói nhau để truất phế người thắng cử. Bọn ta Cộng Sản văn minh hơn. Bầu cử lúc nào cũng 89%-99% thành công tốt đẹp. Ta còn nhìn xa trông rộng đến 2045 và lâu dài hơn nữa. Kể cả nhiều kẻ ngu tham, không hiểu biết hiến pháp và pháp luật nhưng vẫn làm lãnh đạo tốt.” (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT