Thursday, March 28, 2024

Biển Đông sẽ ‘dậy sóng’ trong năm 2021 vì Trung Quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực Biển Đông sẽ “dậy sóng” trong năm 2021 khi tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc gia tăng.

Trung Quốc tranh chấp vùng biển quanh quần đảo Senkaku với Nhật trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông với một số nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

Hai mẫu hạm USS Nimitz và USS Roosevelt tập trận trên Biển Đông. (Hình: US Navy)

Cuối tuần qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng “quan ngại” về luật mới của Trung Quốc theo đó cho phép các tàu hải cảnh của họ bắn tàu nước ngoài nếu “xâm phạm” vùng biển của Trung Quốc.

Trung Quốc thông qua “Luật Hải Cảnh” ngày 22 Tháng Giêng, 2021. Bộ Ngoại Giao Mỹ gọi luật này là nhằm “đe dọa các nước láng giềng” nên đòi hỏi Bắc Kinh kềm chế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price viết trong bản tuyên bố là Hoa Kỳ quan ngại việc họ ra luật mới để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông.

Ông Price cho hay chính phủ Biden tái khẳng định lời tuyên bố của chính phủ tiền nhiệm của Tổng Thống Trump. Ngoại Trưởng Tiền Nhiệm Mike Pompeo giữa năm ngoái đã lên án tuyên bố chủ quyền chiến gần hết Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Bộ Ngoại Giao Mỹ lên tiếng khi có tin tàu khảo sát của Trung Quốc có tên Tan Suo 2 (Thám Tác 2) ngang nhiên đi vào các khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam “nghiên cứu.” Báo chí Trung Quốc mô tả nhiệm vụ của tàu vừa nói là “thu thập các mẫu sinh học, thử các tàu lặn và tiến hành các nghiên cứu khác.”

Đây không phải lần đầu tiên mà tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm ngoái, một số tàu khảo sát và Hải Cảnh Trung Quốc đã đe dọa hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi Tư Chính. Những tàu này chỉ rời xa khu vực khi hoạt động dò tìm ngưng hoạt động.

Cũng vào dịp này, Hải Quân Mỹ cho khu trục hạm USS Russell đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Bắc Kinh ngang ngược bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, thách đố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc. Trước đó, những ngày đầu Tháng Hai, hai nhóm mẫu hạm Mỹ USS Roosevelt và USS Nimitz đã phối hợp tập trận trên Biển Đông sau khi đã cho khu trục hạm USS McCain đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa.

Bắc Kinh cũng không tỏ ra kém cạnh khi liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quy mô dài cả tuần lễ ở khu vực. Người ta từng thấy hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh khoe lực lượng của họ bắn hỏa tiễn chống hạm tầm xa từ Hoa Lục tới Biển Đông, không ngoài chủ đích cảnh cáo Mỹ.

Tàu khảo sát của Trung Quốc, Thám Tác 2 (Tan Suo 2) vừa hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: Tân Hoa Xã)

Những ngày gần đây, Mỹ họp với Nhật, Úc, Ấn Độ thường được gọi tắt là “bộ tứ” họp trực tuyến, đưa ra lời tuyên bố cực lực phản đối tham vọng Trung Quốc dùng bạo lực thay đổi hiện trạng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cũng mấy ngày gần đây, báo chí Philippines căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh nói Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở trên đảo nhân tạo đá Vành Khăn, nhiều phần là các radar hay tháp ăng ten mới, củng cố khả năng truyền tin, kiểm soát khu vực Biển Đông.

Bắc Kinh luôn luôn cáo buộc Mỹ khoe “cơ bắp,” đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực trong khi coi các cuộc tập trận quy mô của họ là chuyện bình thường. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT