Thursday, April 18, 2024

Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn bị điều tra vì dùng thuốc quá hạn cho bệnh nhân

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Việc truyền thuốc quá hạn cho bệnh nhi ung thư ở bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn “có hiện tượng tráo đổi thuốc trước khi cấp phát thuốc cho người bệnh; có hiện tượng tiêu cực ở Khoa Dược…”

Nhận định trên được Sở Y Tế ở Sài Gòn phúc trình với đoàn công tác của Bộ Y Tế do Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản Lý Khám, Chữa Bệnh, chủ trì làm việc hôm 3 Tháng Bảy.

Báo Người Lao Động dẫn phúc trình cho biết thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250 mg) do công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập cảng có hạn sử dụng đến 31 Tháng Giêng, 2020. Theo đó, Sapharco bán cho bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn 642 lọ và các bệnh viện khác 490 lọ. Tuy nhiên số thuốc trên bệnh viện Truyền Máu Huyết Học đã dùng hết từ hồi Tháng Tư, 2019, không tồn kho.

Sau khi xảy ra sự việc, Sở Y Tế thành phố đã chỉ đạo bệnh viện “rà soát, xử lý nghiêm.” Công An ở Sài Gòn cũng đã xem lại camera quan sát của bệnh viện, qua đó phát giác và đang theo dõi một số người “có nghi vấn liên quan đến thuốc Thymogam 250 mg hết hạn sử dụng.”

Đặc biệt, kết quả kiểm tra thực tế tại bệnh viện Truyền Máu Huyết Học còn ghi nhận “có dấu hiệu tiêu cực tại Khoa Dược.” Do đó, Sở Y Tế đã yêu cầu bệnh viện chuyển sự việc qua Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Quận 1 điều tra.

Trước đó nhiều tờ báo ở Việt Nam đưa tin sáng ngày 24 Tháng Sáu, bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn nhận được phản ảnh của thân nhân bệnh nhi Lê Trần Khánh Chi (4 tuổi), bị suy tủy nặng (một dạng ung thư máu), phát giác bác sĩ đã truyền thuốc Antithymocyte Globuline có nhãn ghi hạn sử dụng là Tháng Giêng, 2020, tức đã quá hạn sử dụng sáu tháng. Trong đó một lọ đã dùng xong, một lọ đã sử dụng 1/3.

Đoàn công tác Bộ Y Tế làm việc với bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn sáng 3 Tháng Bảy. (Hình: Tuổi Trẻ)

Anh Lê Thọ Vũ (34 tuổi, ở quận Thủ Đức, Sài Gòn) cha của bệnh nhân Lê Trần Khánh Chi, kể với báo Ngày Nay, bé Chi con gái anh bị suy tủy nặng được bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn phát hiện từ Tháng Bảy, 2019.

Sau một thời gian điều trị không hiệu quả, đến Tháng Sáu, 2020, bác sĩ bệnh viện quyết định chuyển sang hóa trị, truyền liên tục 14 lọ thuốc Antithymocyte Globuline và đã truyền được năm chai. Cũng may anh Vũ ra thùng chứa rác thải y tế, nhặt vỏ thuốc xem thử thì phát giác sự việc, nếu không chẳng biết hậu quả ra sao?

“Người ta nói thuốc này phải vào liên tục 14 toa trong vòng bốn ngày. Nhưng khi sự cố hết hạn xảy ra, con tôi đã bị gián đoạn, chưa kể sau khi truyền hơn bốn chai hóa chất Antithymocyte Globuline, trong đó hơn một chai là thuốc quá hạn. Đây là thuốc trị ung thư, vô cùng độc hại. Giờ họ bảo đổi thuốc, mà đổi thuốc đâu có đơn giản. Liệu sức khỏe con tôi có đủ để vào thuốc mới không? Hai hóa chất vào trong cơ thể thì sao? Thuốc quá hạn nửa năm, chất lượng có thay đổi, biến chất độc hay không?” anh Vũ lo lắng nói.

Hai lọ hóa chất Antithymocyte Globuline được người nhà bệnh nhi phát hiện đã quá hạn sử dụng. (Hình: Ngày Nay)

Bác Sĩ Phù Chí Dũng, giám đốc bệnh viện Truyền Máu Huyết Học Sài Gòn, cho rằng vụ truyền thuốc quá hạn cho bệnh nhi ung thư là “sự cố đáng tiếc.”

“Nhận thấy có hiện tượng tráo đổi thuốc, bệnh viện đã chuyển hồ sơ cho công an điều tra. Đối với bệnh nhân, bệnh viện đã cử các bác sĩ giỏi nhất chăm sóc và theo dõi sát đáp ứng các yêu cầu của gia đình. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, ăn uống bình thường, xét nghiệm mới nhất cho thấy sức khỏe tiến triển tốt sau tám tháng điều trị,” phúc trình nêu. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT