Friday, March 29, 2024

Gần 60% doanh nghiệp VN nói phải có ‘mối quan hệ’ với cán bộ mới có được thông tin

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Gần 60% doanh nghiệp kêu là họ cần phải có “mối quan hệ” với chức sắc nhà cầm quyền mới có thông tin cần thiết để kinh doanh.

Tờ Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DĐDN) trực thuộc Bộ Công Thương CSVN hôm Chủ Nhật,  2 Tháng Năm, dựa vào bản báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho biết như vậy.

Công nhân dựng khung sườn xây dựng trường đua ngựa ở Hà Nội. (Hình: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images)

Đảng viên, cán bộ trong guồng máy chính quyền hiện này vẫn nổi tiếng là tận dụng mọi cơ hội để ăn hối lộ. Hệ thống luật lệ, thủ tục hành chính đến nay vẫn bị tố là rườm rà, chồng chéo, tạo cơ hội cho quan chức của chế độ kiếm tiền dưới gầm bàn. Không mấy năm không thấy có tin tức về cải cách thủ tục hành chính, nhưng có vẻ như một loại câu chuyện không hồi kết.

Tờ DĐDN nêu một chương nằm trong bản báo cáo kể trên để nói về “Thủ tục về xây dựng.” Theo đó, các thủ tục về xây dựng “chưa thực sự dễ dàng đối với doanh nghiệp,” đầy những khó khăn gồm đủ thứ “đất đai, giải tỏa, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư,…”

Dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này, DĐDN thuật lời ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp Chế VCCI, đưa ra thí dụ điển hình là “hiện nay không doanh nghiệp nào muốn đầu tư xây nhà cho người có thu nhập thấp. Hỏi thì được biết do thủ tục xây dựng phức tạp, thời gian kéo dài, chi phí lớn, giá bán thấp, chắc sẽ không bù đắp nổi. Chỉ xây nhà cho đối tượng thu nhập cao mới có lợi nhuận.”

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy có đến 43.8% doanh nghiệp gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư; 58.4% gặp khó khăn trong các thủ tục về đất đai, giải tỏa đất; 52% gặp khó trong các thủ tục liên quan đến quy hoạch, xây dựng; 39.6% gặp khó khi thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; 38.3% gặp khó khi thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; 36.2% gặp khó về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; và 38.2% gặp khó về công tác thanh tra, kiểm tra xây dựng,…

Vẫn theo bản báo cáo trên, “các doanh nghiệp do dân kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm các thủ tục về xây dựng so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp quy mô lớn.” Điều này làm người ta liên tưởng tới các số tiền “dưới gầm bàn” cũng lên xuống, to nhỏ, tùy theo khả năng chi trả và tầm cỡ của của doanh nghiệp.

Khách hàng quan sát mô hình chung cư được xây dựng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Báo cáo kể ra cho thấy doanh nghiệp phải “đi lại nhiều lần” mới được cấp giấy phép. Số doanh nghiệp “đánh giá tốt và rất tốt” về “chuyển biến trong cấp giấy phép” chỉ được 34%, phần lớn đều kêu ca bị trở ngại và kéo dài, và “tính minh bạch về thông tin đất đai không có nhiều cải thiện.”

Theo báo cáo của VCCI, “có tới 68% số doanh nghiệp cho biết phải hủy bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn về thủ tục đất đai. Có 32% doanh nghiệp đã phải chi trả chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai. Đây là tỉ lệ rất lớn, gây bất lợi cho môi trường kinh doanh.”

Bài viết trên báo DĐDN cũng thuật lại rằng, chỉ cách vài ngày trước đây, Báo Cáo Chỉ Số Năng Lực Cạnh Tranh Cấp Tỉnh (PCI) 2020, do VCCI công bốm cũng cho thấy, tại các địa phương, có tới 57.4% doanh nghiệp kêu ca là “cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận bản đồ, quy hoạch sử dụng đất cao nhất, chiếm tới 51%.  Việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn khó khăn, chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước.” (TN) [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT