Thursday, March 28, 2024

Dự án Cao tốc Bắc-Nam: Chỉ nhà thầu Trung Quốc quan tâm!

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Các nhà đầu tư của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc–Nam.”

Báo điện tử Người Đô Thị hôm Thứ Bảy 27 Tháng Tư, 2019 thuật lời ông Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận Tải CSVN Nguyễn Nhật nói trong một phiên họp mới đây của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội.

Cũng theo ông Nhật, các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu (về các dự án BOT của Việt Nam).

Một số trong những lý do được ông Nhật nêu ra là: “Các nhà đầu tư lớn có 3 yêu cầu mà Việt Nam không đáp ứng, đó là bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi tỷ giá và bảo lãnh rủi ro chính phủ.” Bởi thế “các nhà đầu tư lớn họ không vào, đặc biệt các nước phát triển, duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất.”

Ông Nhật được thuật lời: “Theo quy hoạch, toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam có chiều dài 2,109 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau đến năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành 2,000 km cao tốc.” Tuy nhiên ông nói thêm: “Khó có thể hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc Hội. Dự trù từ nay đến 2021 sẽ đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT.”

Cùng ngày, báo Người Đô Thị cũng đăng bài viết của bà Phạm Chi Lan, một trong những cố vấn kinh tế của ông Thủ Tướng Võ Văn Kiệt khi còn nắm quyền thời thập niên 1990 liên quan đến việc Bộ Giao Thông Vận Tải đưa tin một tập đoàn Trung Quốc (tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương) muốn tham gia đầu tư vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam, thậm chí muốn làm toàn bộ con đường này.

“Dân ta không thể chấp nhận trao cả con đường xương sống của đất nước hay bất cứ đoạn nào của con đường vào tay kẻ đến từ một quốc gia không ngừng muốn biến đất đai, biển trời của ta thành một bộ phận trong vành đai, con đường của họ, không ngừng quấy nhiễu cuộc sống của nhân dân ta. Dân ta đâu có lạ gì những thủ thuật từ nhiều dự án họ đã làm ở nước ta, như bỏ thầu thấp rồi nâng vốn lên gấp hai-ba lần, kéo dài thời gian thực hiện, sử dụng kỹ thuật, thiết bị, vật tư chất lượng thấp, đưa lao động của họ sang làm và tìm cách ăn đời ở kiếp tại nước ta, rồi hệ quả về môi trường và tệ tham nhũng khi làm với họ…” Theo bài viết của bà Phạm Chi Lan.

Trong bài, bà Phạm Chi Lan nêu ra ba câu hỏi về cái dự án cao tốc nói trên và bà muốn được trả lời.

Câu hỏi đầu tiên là: “Tại sao tiến hành xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam lúc này khi ngân sách của nhà nước còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư cho nhiều mặt phát triển KTXH rất lớn và mức huy động sức dân đã rất cao?”

Theo bà Lan “Đường bộ đã được đầu tư rất nhiều, đã chiếm tới 79% tổng đầu tư cho lĩnh vực giao thông, trong khi các lĩnh vực giao thông khác có nhu cầu lớn không kém như đường thủy, đường sắt lại ít được đầu tư.” Hiện nay “đường bộ trục Bắc-Nam, đã có hai hệ thống đang hoạt động là quốc lộ 1 và ‘đường Trường Sơn công nghiệp hóa,’ vậy đường cao tốc Bắc-Nam có cần làm ngay không và làm như thế nào trong tương quan và phối hợp với hai con đường kia để tránh lãng phí.”

Câu hỏi thứ nhì của bà Phạm Chi Lan: “Các nguồn lực cho dự án sẽ huy động từ đâu, như thế nào?”

Nói về điều này, bà Lan cho biết: “Quốc Hội quyết định nhà nước sẽ bỏ ra 55,000 tỷ đồng, và sẽ huy động từ các nhà đầu tư ngoài nhà nước hơn 63,000 tỷ đồng. Trong tình hình ngân sách hiện nay, với mức chi thường xuyên rất cao và chi trả nợ khá lớn, sẽ phải trông chờ nhiều vào trái phiếu chính phủ để có 55,000 tỷ đồng cho nhà nước đầu tư vào 3 trong 11 dự án thành phần như dự tính. Huy động trái phiếu thì sẽ phải tính tới việc trả lãi và tăng thêm gánh nợ công vốn đã nặng ở nước ta, kể cả cần tính ‘chi phí cơ hội’ khi số tiền này có thể dùng vào những việc khác hứa hẹn lợi ích kinh tế xã hội rộng lớn hoặc thiết thực hơn.”

Và câu hỏi thứ ba của bà là “làm thế nào để dự án được thực hiện tốt nhất, tránh những sai lầm, vi phạm thường xảy ra trong hầu hết các dự án tương tự?”

“Những thủ đoạn móc ngoặc, gian dối của các nhóm lợi ích để thâu tóm dự án cùng các món lời khủng về tay mình, bán rẻ lợi ích chung, coi thường pháp luật (mà nhiều khi đã bị chúng khuynh đảo hoặc cài cắm lợi ích vào) không còn xa lạ,” bà Lan viết.

Phản ứng của dư luận

Báo điện tử VNExpres ngày 25 Tháng Tư, 2019 đưa tin ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đến Bắc Kinh tham dự “diễn đàn Vành đai và Con đường” đã “gặp các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc” trong đó có Tập Ðoàn Xây Dựng Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Dự Án Cao Tốc Bắc-Nam đang bị dư luận trong nước chống đối vì chế độ Hà Nội có dấu hiệu muốn “bán cái” cho nhà thầu Trung Quốc.

Trên mạng xã hội hôm Chủ Nhật, 31 Tháng Ba, 2019, loan truyền qua nhiều trang Facebook một bản tuyên bố của bảy tổ chức xã hội dân sự và 443 cá nhân thúc giục nhà cầm quyền “Loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc, không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc.” Trong số các người tham gia ký tên trên bản tuyên bố, ngoài những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trong ngoài nước, còn có nhiều người từng là đảng viên CSVN.

“Mọi công trình hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với quan tham Việt Nam đẩy giá lên. Trên thực tế, hầu hết các công trình có yếu tố Trung Quốc đều yếu chất lượng, kém an toàn khi thi công, khi vận hành và gây ô nhiễm trầm trọng môi trường.

Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cho bài học xương máu. Các nhà thầu Trung Quốc luôn đem các công nghệ lạc hậu, nhân lực Trung Quốc, kể cả lao động phổ thông vào Việt Nam, đến đâu ở lì đó, gây phức tạp an ninh xã hội,” bản tuyên bố nói trên viết.

Họ cho hay “Hiện nay các nước từ Châu Phi, đến Ấn Độ Dương, Đông Á… đều tẩy chay các dự án đầu tư của Trung Quốc. Tiếp tục thuê nhà thầu Trung Quốc là tiếp tay cho tham nhũng.”

Những người tham gia ký tên kêu gọi nhà nước “Tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước, tham vấn các nhà thầu Mỹ, Pháp, Nhật Bản… tìm phương án tối ưu cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam.”

Bản tuyên bố của hàng trăm người Việt trong ngoài nước đưa ra vào ngày có cuộc biểu tình của giáo dân giáo xứ Song Ngọc thuộc Giáo Phận Vinh. Họ trương các băng rôn với các khẩu hiệu như “Kiên quyết không để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam,” “Không ai được thờ ơ với vận mệnh đất nước,” “Tổ quốc không phải của riêng bộ trưởng,” “Nếu chính phủ tự ý để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam, chúng tôi sẽ xuống đường phản đối,” “Tẩy chay các dự án đầu tư từ Trung Quốc.”

Chế độ Hà Nội có thói quen tảng lờ các phản ứng của dư luận xã hội trừ phi áp lực đủ mạnh buộc họ phải xét lại. Tháng Sáu, 2018, nếu không có cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người tại Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố khác, Quốc Hội CSVN đã thông qua dự luật “Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc…” mà người ta tin rằng “bán nước” cho Trung Quốc. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT