Tuesday, April 23, 2024

Hà Tĩnh bắt cả trẻ đang bú đóng tiền ‘xây dựng nông thôn mới’

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Trẻ từ 6 tháng tuổi, người già dưới 80 tuổi, nhà nghèo ở xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, phải đóng gần chục khoản cho thôn, xã để “xây dựng nông mới.” Nhiều gia đình phải đi vay mượn để nộp.

Theo báo VietNamNet, đến hẹn lại nộp tiền, gia đình ông Nguyễn Công Lý (trú ở thôn 2), phải chạy vạy đi mượn để đóng nộp cho chính quyền, nếu không sẽ bị nêu tên và tính phí trừ vào mùa sau.

Gia đình ông Lý có bảy người, cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng nên con trai và con dâu gửi lại hai đứa con nhỏ 6 tháng và 2 tuổi cho ông bà, vào Nam làm thuê. Cuộc sống của họ thêm chật vật khi hai cháu nhỏ cũng thuộc diện phải đóng các loại phí quỹ cho xã, thôn như người lớn.

“Năm ngoái, gia đình tôi, tính cả hai cháu nhỏ, phải đóng hơn 4.8 triệu đồng (hơn $208) tiền xây dựng nông thôn mới, phải đi vay mới đủ. Năm nay tiếp tục đóng 4 triệu, bây giờ chưa biết xoay ở đâu,” bà Thể vợ ông Lý thở dài.

Báo VietNamNet cho hay, theo phản ánh của người dân, năm 2017, 2018, trung bình mỗi gia đình phải đóng từ 4 đến 5 triệu đồng với hơn chục khoản. Đối tượng nộp gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người già dưới 80 tuổi, thuộc diện nghèo.

Liệt kê các khoản xã buộc dân phải đóng nộp gồm: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 1.1 kg thóc/người, quỹ phòng chống thiên tai 2.5 kg/người, thu đấu thầu đất 15 kg/sào, đóng góp tiền mầm non 100,000 đồng/người, tiền mở rộng đường làm trục chính 100,000 đồng/người, thu dân quân 170,000 đồng/người.

Ngoài ra, thôn còn thu thêm các khoản như tiền làm đường, xây dựng nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, tiền môi trường, tiền lấy nước, tiền đóng nộp sản lượng, tiền vận chuyển giống hỗ trợ hộ nghèo… tổng cộng hơn 400,000 đồng mỗi người.

Gia đình ông Nguyễn Trí Huấn, bà Nguyễn Thị Linh thêm khó khăn khi mấy năm nay không được miễn tiền xây dựng nông thôn mới. (Hình: VietNamNet)

Một gia đình khác được báo VietNamNet kể: “Gia đình ông Nguyễn Trí Huấn (83 tuổi), bà Nguyễn Thị Linh (72 tuổi) thuộc diện nghèo nhất nhì thôn 2 xã Cẩm Minh. Ba năm nay, khi nghe loa phát thanh nộp các khoản cho nông thôn mới, ông bà lại phải đi vay mượn người thân, bán lúa để nộp cho đủ.”

Năm 2017, ông bà choáng váng khi nhận thông báo phải nộp hơn 7 triệu đồng (hơn $304) các loại phí, quỹ cho thôn, xã, tính cả tiền xã thuê máy về dọn vườn tạp.

Ông Huấn cho biết, số tiền này là quá sức với gia đình thuộc diện nghèo và già cả như ông bà. Sợ bị xã bêu tên, ghi nợ tính phí nên con trai ông bà đang thỏa thuận để không ghi vào khoản nợ ở xã.

Mười năm trước, đảng và nhà nước CSVN đưa ra chương trình “xây dựng nông thôn mới” với tham vọng cải tiến đời sống nông dân về mọi mặt. Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2015 phải có 20% các xã đạt tiêu chí “nông thôn mới” và đến năm 2020 phải tăng lên thành 50%.

Tuy nhiên, những số thông kê cho thấy, đến năm 2015, chỉ có 14.5% các xã trên cả nước nhận được danh hiệu “nông thôn mới.”

Vì áp lực của nhà cầm quyền trung ương, chính quyền các tỉnh đã ép các ấp, xã thi hành lệnh qua những khoản vay nợ (tiền ứng trước) dẫn đến tình trạng nợ nần phổ biến.

Theo thống kê hồi năm 2016 được báo VietNamNet nêu ra, vào thời điểm này, có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng đối với nhà nầm quyền trung ương trong chương trình “xây dựng nông thôn mới” với số tiền khoảng 15,277 tỷ đồng (hơn $663 triệu). Các xã nợ phổ biến một vài tỷ đồng mà thậm chí có xã không có khả năng trả nợ.

Theo một số ký sự của báo này hồi năm 2015, nhiều xã đã phải mánh mung kiểu “giật đầu cá, vá đầu tôm” hầu đạt danh hiệu “nông thôn mới.” Chương trình “xây dựng nông thôn mới, vì vậy đè nặng trên cả trẻ con từ 6 tháng trở đi. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT