Thursday, March 28, 2024

Hai áp thấp nhiệt đới theo nhau hướng về miền Trung Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bão số 4 vừa qua, áp thấp nhiệt đới có thể tăng sức mạnh trở thành bão trên Biển Đông hướng vào miền Trung Việt Nam trong khi một hệ thống áp thấp nữa nối đuôi theo phía sau.

Tổ chức thông tin khí tượng quốc tế AccuWeather và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ở Hà Nội cho hay bão sẽ mang mưa tầm tã và lũ lụt đến cho Việt Nam và Lào với lượng nước mưa từ 150 mm đến 300 mm. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà máy thủy điện xả lũ vội vã, dẫn đến lụt lội, nhà trôi, vườn ruộng, cầu cống hư hỏng, người chết.

Tờ Người Lao Động dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay, trưa ngày 1 Tháng Chín, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 2 Tháng Chín, vị trí tâm bão ở khoảng 19.3 độ Vĩ Bắc; 110.3 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Theo nguồn tin trên, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 13 giờ ngày 3 Tháng Chín, vị trí tâm bão ở khoảng 17.3 độ Vĩ Bắc; 108.0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng theo hướng Đông rồi Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong khi đó, theo VNExpress, trên biển Đông xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới từ sáng sớm ngày Thứ Hai 2 Tháng Chín. Dự báo áp thấp nhiệt đới này sẽ nhập vào áp thấp nhiệt đới hình thành hai ngày trước trong 48 giờ tới. Ngoài ra, còn một vùng thấp phía ngoài Philippines đang có khuynh hướng mạnh lên.

Trước đó, sáng sớm ngày Thứ Sáu 30 Tháng Tám, bão số 4, tên quốc tế là Podul, đổ ập vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, giật cấp 10.

Tờ Tuổi Trẻ thuật theo thông tin từ “Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” cho hay, thiệt hại trên đất liền thi ít nghiêm trọng trong khi trên biển có nhiều thiệt hại hơn.

Ngay trong đầu tháng 8, trận bão số 3 đánh vào khu vực tỉnh Quảng Ninh cũng thấy mô tả không có thiệt hại về người ngoài một ít thiệt hại vật chất.

Mỗi năm, Việt Nam phải hứng chịu trên dưới một chục trận bão lớn nhỏ, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản và nhân mạng. Thiên tai đã đành, các nhà máy thủy điện ngoài nhiệm vụ cung cấp điện, còn được coi là điều tiết lượng nước giúp hạ du “cắt lũ,” nhưng thực tế ngược lại. Nhà máy thủy điện sợ vỡ đập nên vội vã xả lũ, không thông báo sớm cho cư dân quanh vùng nên thảm họa không tránh được.

Đã có những lời kêu gọi dẹp bỏ những đập thủy điện nhỏ rải rác từ miền Bắc kéo dài tới cuối miền Trung, lợi ích cấp điện thì nhỏ bé trong khi thiệt hại nhân mạng, tài sản hàng năm thì nhiều gấp bội, nhưng chế độ Hà Nội vẫn không nhúc nhích. (TN)

MỚI CẬP NHẬT