Thursday, April 25, 2024

Hàng trăm người công khai làm lễ giỗ TT Ngô Đình Diệm ở Lái Thiêu

Nhật Bình/Người Việt

BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Hàng trăm người dân Sài Gòn và các vùng phụ cận đã công khai đến nghĩa trang Lái Thiêu, Bình Dương, vào chiều Thứ Sáu, 2 Tháng Mười Một, 2018, để viếng mộ và tham dự thánh lễ giỗ lần thứ 55 cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu.

Mặc dù đến 2 giờ chiều lễ tưởng niệm mới chính thức diễn ra, nhưng từ 1 giờ, rất đông người dân đã đến sớm để tham dự, dù tiết trời rất oi bức.

An ninh, camera dày đặc 

Cùng với sự tham dự của người dân là rất nhiều công an, anh ninh, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài con đường DT743 dẫn vào nghĩa trang. Tuy nhiên họ không can thiệp thô bạo vào thánh lễ. Chỉ có một vài nhân viên an ninh thường phục, đội nón, bịt mặt, chen lấn vào để quay phim, chụp hình những người tham dự.

Phía bên ngoài, quanh mộ phần cố tổng thống, chính quyền đã cho lắp camera chỉa thẳng vào để quan sát các hoạt động tưởng nhớ ông. Mọi người dân đến tham dự buổi lễ đều bị nhân viên quản trang bắt trình “chứng minh nhân dân,” ghi tên tuổi lại. Tuy nhiên việc này cũng không khiến người ái mộ tổng thống e ngại đến viếng.

Bàn thờ được đặt trên mộ phần cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Đến 2 giờ, buổi lễ do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khởi xướng bắt đầu. Buổi lễ có sự hiện diện của Giám Mục Hoàng Đức Oanh làm chủ tế, cùng các linh mục ở Sài Gòn đồng tế. Nhiều thương phế binh VNCH, rất nhiều người dân ái mộ vị cố tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và cả các em nhỏ cũng được cha mẹ dẫn theo, đến tham dự.

Bàn lễ được đặt trên mộ phần của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bên cạnh là mộ của Bà Cố Luxia – thân mẫu hai cụ, và ông cố vấn Ngô Đình Nhu.

Trước giờ lễ, Linh Mục Lê Ngọc Thanh giới thiệu khái quát về nội dung cũng như ý nghĩa của buổi cầu nguyện: “Chúng ta sẽ cầu nguyện cho tất cả những người lính đã chết trong cuộc chiến ở Việt Nam, cho dù họ ở miền Bắc hay ở miền Nam. Đặc biệt ngay trên vùng mộ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, chúng ta cầu nguyện cho cố tổng thống và các bào đệ của cụ, cùng các tử sĩ đã vị nước vong thân.”

Anh Lê Công Thành, từ Sài Gòn xuống tham dự, cho biết: “Hôm nay là lễ cầu cho các đẳng linh hồn, nên tôi đến thánh lễ này vừa được tham dự lễ trọng của người Công Giáo và kết hợp viếng mộ cố tổng thống luôn.”

Nhiều thương phế binh VNCH trong thân thể không lành lặn quây quần bên mộ cố tổng thống. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Các cụ đã về ở với Chúa trong thời gian rất lâu mà chúng ta là con cái không có nhiều cơ hội để cầu nguyện cho cụ. Do đó, hôm nay tôi có mặt để cầu nguyện và biểu tỏ nghĩa cử của những người con yêu mến quê hương đất nước, yêu mến và giữ lẽ thảo hiếu truyền thống của người Việt,” anh nói thêm.

Mong sớm có một nơi xứng đáng tôn vinh cố tổng thống 

Trong bài giảng giữa lễ, Linh Mục Nguyễn Thanh Bích – cố vấn giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam – chia sẻ: “Chân dung của một người chúng ta cầu nguyện hôm nay là người sống xả thân vì đất nước và không bao giờ hành động vì mình, kể cả lúc gần kề cái chết. Điều đó làm cho người Công Giáo nói riêng và người miền Nam nói chung rất hãnh diện.”

Cuối thánh lễ, Giám Mục Hoàng Đức Oanh tâm sự: “Ngô Đình Diệm là một tổng thống yêu nước, dấn thân phục vụ đất nước, đáng là gương mẫu cho mọi người dân chúng ta bắt chước. Tôi mong rằng anh chị em có mặt hôm nay, hãy nghiên cứu sâu xa cuộc đời của cụ, và phổ biến tối đa có thể hình ảnh đời sống gương mẫu của cụ.”

Ba ngôi mộ, từ trái là mộ ông Ngô Đình Nhu (ÐỆ), thân mẫu bà Phạm Thị Thân, và ông Ngô Đình Diệm (HUYNH). (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Riêng tôi, tôi vẫn mong ước, sớm muộn cũng có một nơi xứng đáng hơn nơi này để tôn vinh cụ. Và tôi cầu mong có ai đó hãy nghiên cứu lập hồ sơ xin Tòa Thánh Vatican tôn phong cụ Gioan Baotixita lên mẫu gương đời sống đức tin và xây dựng đất nước cho hậu thế nói theo,” vị giám mục nói.

Ông Trần Lâm, thương phế binh VNCH, bị cụt hẳn hai chân nhưng vẫn đến tham dự thánh lễ, đau buồn nói: “Nhìn mộ phần của cụ mà xót xa. Thân là một tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa, mà khi nằm xuống đến cái tên cũng không được ghi lên bia mộ cho đàng hoàng.”

“Tôi mong ước chính quyền này hãy bắt đầu việc hòa hợp hòa giải từ chính tấm bia mộ này. Chiến tranh đã qua đi hơn 43 năm rồi mà lòng hận thù với cả người đã khuất thì khó có thể nào mà nói chuyện hòa giải dân tộc được,” ông ước mong.

Nghĩa trang Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km, đi theo hướng Thủ Ðức qua cầu Bình Triệu, thẳng tiến quốc lộ 13 qua ngã tư Bình Phước, khoảng 10 km là đến ngã tư cầu Ông Bố thuộc ấp Ðông Ba, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, quẹo phải vào đường DT743, đi thêm 2 km nữa là đến nghĩa trang Lái Thiêu.

Hàng trăm người dân tham dự thánh lễ. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Tại đây, phía tay phải, mặt tiền đường DT743 là nghĩa trang Lái Thiêu A. Mộ của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và thân quyến năm góc cuối nghĩa trang, dãy thứ tư (tính từ mặt tiền đường vào).

Khi di dời hài cốt từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (hiện là công viên Lê Văn Tám ở Sài Gòn) về đây lập mộ, chính quyền chỉ cho phép khắc trên hàng bia của mộ cố tổng thống – một hàng chữ dành cho người vô danh: “HUYNH,” cùng với người em cố vấn kỳ tài của mình là Ngô Đình Nhu với hàng chữ trên bia một: “ĐỆ.”

Việc viếng mộ và tập trung đông đảo người dân tề tựu để làm lễ giỗ cố tổng thống vẫn còn là việc “nhạy cảm” đối với chính quyền. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều người dân Việt Nam vẫn công khai đến viếng và tham dự buổi lễ ý nghĩa này. (Nhật Bình)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT