Thursday, March 28, 2024

Hàng trăm người viếng mộ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ở Bình Dương

Nhật Bình/Người Việt

BÌNH DƯƠNG (NV) – Sáng 31 tháng 10 năm 2016, thánh lễ cầu nguyện, nhân ngày giỗ lần thứ 53 (2.11.1963 – 2.11.2016) của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và các huynh đệ của ông tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, diễn ra với hơn 200 người dân tham dự. Ðặc biệt hơn lần này người dân đã công khai mang theo di ảnh của cố tổng thống đặt trên bia mộ của ngài.

Nghĩa trang Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km, đi theo hướng Thủ Ðức qua cầu Bình Triệu, thẳng tiến quốc lộ 13 qua ngã tư Bình Phước, khoảng 10km là đến ngã tư thuộc ấp Ðông Ba, xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, thì quẹo phải vào đường DT743 đi thêm 2km nữa là đến nghĩa trang Lái Thiêu.

Tại đây, phía tay phải, mặt tiền đường DT743 là nghĩa trang Lái Thiêu A. Mộ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và thân quyến năm góc cuối nghĩa trang, dãy thứ 4 (tính từ mặt tiền đường vào). So với các năm trước thì hiện nay con đường vào nghĩa trang đã tráng nhựa bê tông nên thuận tiện đi lại, nghĩa trang cũng đã được làm hàng rào thép gai lưới B40 chứ không hoang sơ như ngày xưa nữa.

Rất đông người dân tham dự lễ giỗ tổng thống. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Rất đông người dân tham dự lễ giỗ tổng thống. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Chúng tôi đến viếng mộ phần của cố tổng thống lúc 9 giờ 30 sáng 31 tháng 10 trong tiết trời nóng bức. Trong cái nắng như thiêu cũng không làm cho dòng người đi viếng cố tổng thống chùn bước.

Số người tham dự khoảng hơn 200 người, với đủ mọi thành phần trong xã hội, từ người Công Giáo đến ngoại đạo, từ người già cho đến trẻ nhỏ, ngoài ra lực lượng khá đông đảo là các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, mặc đầu không đủ tay chân để có thể đi lại, nhưng với lòng kính nhớ, đã không ngăn được các ông đến viếng vị tổng thống của mình.

Ðây là con số đông kỷ lục từ trước tới nay, vì bấy lâu nay nhà cầm quyền vẫn luôn cấm đoán người dân tưởng nhớ đến cố tổng thống. Cái tên “Ngô Ðình Diệm” vẫn luôn là nổi ám ảnh và lo sợ của chính quyền Cộng Sản.

Khoảng 10 giờ sáng, thánh lễ cầu nguyện cho cố tổng thống và thân quyến bắt đầu. Mở đầu thánh lễ, Ðức Giám Mục Micae Hoàng Ðức Oanh nguyên giám mục chính tòa giáo phận Kon Tum làm chủ lễ, đã nói lên công đức của cố tổng thống.

“Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là một người Công Giáo yêu nước vĩ đại nhất của Việt Nam. Việc sát hại ông và thân quyến đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ VNCH sau này. Tổng Thống Ðài Loan Tưởng Giới Thạch sau cái chết của ngài năm 1963 đã nói rằng ‘phải 100 năm sau may ra Việt Nam mới có một người vĩ đại như Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.’ Và thực tế đang chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.”

LS Lê Công Định thắp hương mộ phần ông cố vấn Ngô Đình Nhu. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
LS Lê Công Định thắp hương mộ phần ông cố vấn Ngô Đình Nhu. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

*Cần trả lại sự thật, danh dự cho cố tổng thống

Trong bài giảng của mình, Linh Mục Phạm Trung Thành cho rằng: “Thời gian quan trọng hơn không gian, sẽ đến lúc mọi người biết đến giá trị, những di sản của Ngô Tổng Thống để lại cho Việt Nam. Lịch sử phải được trả đúng với thực tế với những việc mà cố tổng thống đã làm cho người dân.”

Một bạn trẻ tên Nguyễn Thanh Thuần, 24 tuổi cho biết: “Tôi sinh sau đẻ muộn, tất nhiên không biết gì về chế độ VNCH, lại bị chế độ Cộng Sản tuyên truyền nhồi sọ. Bây lâu nay tôi vẫn cứ nghĩ Tổng Thống Diệm là ‘tay sai’; bán nước, bù nhìn… Nhưng thời gian gần đây, khi được đọc các thông tin trên các trang mạng độc lập với nhà nước, tôi mới biết sự thật”.

“Hôm nay tôi đã bỏ việc để có thể đến viếng tổng thống, xem như một lời xin lỗi với ngài. Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi, bởi vậy tôi hy vọng chính quyền Cộng Sản hãy đừng xem ngài là kẻ thù nữa. Ít nhất hãy trả lại cái tên thật của ngài trên bia mộ, chứ nhìn tên “Huynh” mà tôi đau lòng quá,” anh Thuần nói lên suy nghĩ của mình.

Cảm nghĩ của Thuần cũng là cảm nghĩ của rất nhiều người khi đến viếng mộ phần của cố tổng thống. Ông Huỳnh Như Phong, 73 tuổi, là một thương phế binh VNCH, cho biết: “Nhìn mộ phần của tổng thống mà đau lòng quá.”

“Một con người lừng lẫy, đã từng thiết lập nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, định cư cho hơn một triệu đồng bào miền Bắc lánh nạn Cộng Sản và xây dựng một đất nước tươi đẹp, trở thành niềm mơ ước của các nước quanh vùng Ðông Nam Á thời bấy giờ. Mà lúc nằm xuống đến cái tên cũng không được viết lên bia mộ. Quá đau,” ông Phong ứa nước mắt.

Trong số các vòng hoa đến viếng, có cả vòng hoa của 'Tập thể người Việt tị nạn CS tại Pháp”. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Trong số các vòng hoa đến viếng, có cả vòng hoa của ‘Tập thể người Việt tị nạn CS tại Pháp”. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Cựu tù nhân lương tâm Paulus Lê Sơn, 31 tuổi, cho biết: “Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã được dân tộc Việt Nam chọn và cụ cũng đã chọn dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Lịch sử cần phải được sáng tỏ và trả lại sự thật, danh dự cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.”

“Giới trẻ chúng tôi thật bất hạnh vì những trang sử đen tối và dối trá mà Cộng Sản bịa đặt viết nên để nhồi nhét và làm tha hóa tư tưởng tâm hồn của cả một thế hệ, không, có lẽ là vài thế hệ. Nhưng khi sự thật lịch sử được phơi bày thì chính những gian dối đó sẽ là phát súng lục bắn vào chính họ,” anh Sơn hùng hồn tuyên bố.

Còn Luật Sư Lê Công Ðịnh, một người đã ở tù Cộng Sản 5 năm vì dám lên tiếng đấu tranh cho sự thật, tươi cười cho biết: “Hôm nay tôi vui mừng vì không chỉ những người đứng tuổi đến viếng, mà còn có cả sự hiện diện của rất nhiều bạn trẻ vốn sinh ra trong thời gian Cộng Sản đã độc chiếm toàn bộ giang sơn này. Nó nói lên một điều là chế độ này đã và đang thất bại trong chiến thuật tuyên truyền ngu dân.”

Ghi nhận bên lề buổi lễ là ngoài hai chiếc camera được gắn sẵn để quan sát chung quanh phần mộ của cố tổng thống, nhà cầm quyền địa phương và ban quản trang không hề có một thái độ nào gây trở ngại cho việc tổ chức lễ giỗ.

Nhiều an ninh mặc thường phục, mặt đeo khẩu trang, đầu đội nón an toàn vẫn đứng dày đặc xung quanh khu vực nghĩa trang, nhưng họ không can thiệp vào việc làm lễ. Chỉ một vài an ninh đặc biệt xâm nhập sát ngôi mộ cố tổng thống để quay phim, chụp hình những người đến tham dự.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 31 tháng 10 năm 2016

MỚI CẬP NHẬT