Thursday, April 25, 2024

Hết tiền, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai hoạt động cầm chừng

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Từ vài tháng nay, các bệnh viện từ tỉnh đến huyện ở Đồng Nai không còn tiền để trả lương cho nhân viên và chi phí hoạt động, khiến nhiều nơi phải “co” lại các hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.

“Chúng tôi phải lấy nguồn quỹ dự phòng của bệnh viện để trả lương, phụ cấp cho nhân viên. Trong Tháng Mười Hai này, chúng tôi chỉ bảo đảm được tiền lương, còn phụ cấp tăng thêm, nguồn quỹ của bệnh viện đã không còn để chi trả,” Bác Sĩ Phan Văn Huyên, giám đốc Bệnh Viện Đa Khoa Khu Vực Long Khánh, nói với báo Đồng Nai ngày 24 Tháng Mười Hai, 2019.

Theo Bác Sĩ Huyên, đáng lo nhất là Tháng Giêng, 2020, bệnh viện không còn tiền trả lương cho nhân viên trong khi là tháng Tết, ai cũng mong chờ ngoài tiền lương và tiền thưởng.

Tương tự, đến ngày 20 Tháng Mười, 2019, Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất cũng đã hết tiền quỹ Bảo Hiểm Y Tế. Nguyên nhân năm 2019, bệnh viện được giao 301.5 tỷ đồng ($13.02 triệu), nhưng chi vượt 34 tỷ đồng ($1.46 triệu), do việc khám chữa cho bệnh nhân tăng mạnh.

“Thời gian gần đây, ngày nào các công ty dược cũng gọi điện cho chúng tôi để… đòi nợ, nhưng không còn tiền trả. Bệnh viện còn phải xoay xở để chi trả tiền lương cho nhân viên,” bà Nguyễn Thị Mai, kế toán trưởng Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất, cho biết.

Trước tình trạng không còn tiền để hoạt động, bệnh viện đành phải hạn chế sử dụng các loại thuốc đắt tiền, giải phẫu kỹ thuật cao như: thay khớp gối, khớp háng, mổ tim hoặc can thiệp tim mạch…

Bác Sĩ Phạm Quang Huy, trưởng Khoa Can Thiệp Tim Mạch Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất, cho biết do hết tiền khoa cũng phải “co” lại các hoạt động, chỉ can thiệp những ca cấp cứu để cứu bệnh nhân. Còn các ca chưa cần gấp, khoa sẽ thuyết phục bệnh nhân chuyển sang các nhà thương khác, hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc để duy trì “chờ” khi nào bệnh viện có tiền để điều trị.

Không chỉ các bệnh viện lớn, ngay cả các Trung Tâm Y Tế cũng lao đao vì chưa hết năm đã xài hết tiền quỹ.

Bác Sĩ Nguyễn Đức Phước, giám đốc Trung Tâm Y Tế huyện Trảng Bom, cho hay năm 2018, trung tâm vượt quỹ gần 15 tỷ đồng ($647,970) nhưng chưa được thanh toán hoặc nhận được bất cứ yêu cầu nào về số tiền này. Trong số tiền vượt trên, có đến trên 7 tỷ đồng ($302,386) chi khám chữa bệnh cho người bệnh từ nơi khác, hầu hết là các Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, Bệnh Viện Chợ Rẫy…).

Hiện nay, Trung Tâm Y Tế huyện Trảng Bom vẫn đang nợ tiền thuốc 7 tỷ đồng ($302,386). “Tiền lương, thưởng cho nhân viên trong dịp Tết sắp tới, tôi đang lo không biết lấy nguồn nào để bù đắp,” Bác Sĩ Phước lo lắng nói.

Bác Sĩ Lê Quang Trung, phó giám đốc Sở Y Tế, thừa nhận: “Tình cảnh các cơ sở y tế hết tiền, hoạt động cầm chừng xảy ra vài tháng nay. Điều này khiến các bệnh viện phải tìm cách ‘cắt bớt’ một số dịch vụ cho người bệnh. Thực tế, có người bệnh đã ‘tố’ với tôi rằng, khi khám bệnh bác sĩ chỉ cho đơn thuốc và yêu cầu ra ngoài mua vì bệnh viện hết quỹ Bảo Hiểm Y Tế. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT