Saturday, April 20, 2024

Mỹ đả kích Trung Quốc ngang ngược, bắt nạt các nước khác ở Biển Đông

WASHINGTON, D.C. (NV) – Hoa Kỳ lên tiếng đả kích và gọi Trung Quốc là “ngang ngược xâm phạm vào quyền dò tìm và khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa 200 hải lý của các nước khác trên Biển Đông.”

Hôm 20 Tháng Bảy, 2019, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra một bản tuyên bố bày tỏ quan ngại trước các tin tức về việc Bắc Kinh cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của các nước nhỏ phía Nam, lên án Trung Quốc cậy quân sự hùng mạnh ức hiếp các quốc gia này.

Tuy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không nói rõ ra các hành động của Trung Quốc như kể trên xảy ra vào lúc nào, nhưng lên án là Bắc Kinh đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực.

Một thí dụ cụ thể được nêu ra là Bắc Kinh cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông.

“Như Ngoại Trưởng Pompeo đề cập hồi đầu năm rằng (Bắc Kinh) ngăn cản sự phát triển về dầu khí (của Việt Nam và các nước khác) trên Biển Đông xuyên qua các hành động chèn ép, Trung Quốc cản trở các nước ASEAN khai thác một trữ lượng ước tính đến $2,500 tỷ.” Nữ phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ viết trong bản tuyên bố nêu trên.

Việt Nam và Trung Quốc rắc rối với nhau về vấn đề dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông suốt từ nhiều năm qua. Theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký tên tham gia, các nước ven biển có đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở trên đất liền.

Nhưng Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông theo đường 9 vạch nối lại giống như hình cái “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều khu vực liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Đó là lý do Bắc Kinh cho tàu hải cảnh, tàu chiến cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác của Việt Nam. Thậm chí Bắc Kinh hai năm trước còn dọa nếu Việt Nam không chấm dứt dò tìm tại bãi Tư Chính, sẽ đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Không những vậy, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc liên tục bồi đắp 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam từ năm 1988 tại quần đảo Trường Sa, mở rộng một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa (cướp của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH). Trung quốc biến các nơi này thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển, tham vọng khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.

“Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ngầm và quân sự hóa các căn cứ tiền đồn ở khu vực vẫn đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, kể cả việc sử dụng lực lượng dân quân biển để bắt nạt, thúc ép và đe dọa các nước khác, gây tổn hại hòa bình và ổn định ở khu vực.” Bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ viết.

“Hoa Kỳ cương quyết chống lại các hành vi chèn ép và bắt nạt của bất cứ nước nào để khẳng định chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải.” Bà Ortagus viết trong bản tuyên bố. “Trung Quốc nên dừng ngay các trò bắt nạt cũng như kềm chế các hành vi kiểu hành động khiêu khích và gây mất ổn định.”

Hơn một tuần lễ trước, khi có tin tàu khảo sát địa chấn Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc có các tàu Hải cảnh và tàu “dân quân biển” hộ tống, khảo sát ở khu vực bãi Tư Chính hiện Việt Nam đang duy trì Nhà dàn DK canh giữ, toàn bộ hệ thống tuyên truyền của Hà Nội nín lặng. Mãi đến cuối tuần này, CSVN mới cho các báo lớn trong nước theo nhau đả kích Bắc Kinh “xâm phạm vùng biển của Việt Nam,” “không thiện chí.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN hôm 19 Tháng Bảy, nói: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công Ước của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.”

Pháp ngôn viên Lê Thu Hằng dịp này mới tiết lộ “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.”

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ Bộ Ngoại Giao CSVN cho phát ngôn viên tuyên bố “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công Ước của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982.”

Hôm 18 Tháng Bảy, Đô Đốc Philip Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ–Thái Bình Dương, tiết lộ trong một cuộc hội thảo về an ninh tổ chức ở thành phố Aspen, tiểu bang Colorado, rằng Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thảo luận để hóa giải các nguy cơ khủng hoảng xung đột trên Biển Đông nhưng không thấy Bắc Kinh trả lời.

Sau đó, hôm 19 Tháng Bảy, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ John Boltom viết trên trang cá nhân Twitter đả kích Bắc Kinh thúc ép các nước nhỏ ASEAN là đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT