Tuesday, April 23, 2024

Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc ‘thao túng tiền tệ’ để ép CSVN

WASHINGTON DC. (NV) – Hoa Kỳ  loan báo Việt Nam và Thụy Sĩ là hai nước “thao túng tiền tệ” vào những ngày cuối cùng của Tổng Thống Trump còn ngồi ở Tòa Bạch Ốc.

Quyết định của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ vào lúc này làm nhiều nhà phân tích thời sự ngạc nhiên. Người thì cho rằng Washington “tự bắn vào chân mình” trong lúc muốn lôi kéo Hà Nội ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh. Người thì cho là Tổng Thống Trump muốn đẩy ông Tổng Thống đắc cử Biden vào các khó khăn đối ngoại.

Mỹ cáo buộc CSVN thao túng tiền tệ trong lúc cố gắng cải thiện quan hệ đối tác chiến lược để chống Bắc Kinh. (Hình: AFP/Getty Images)

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười Hai, Bộ Tài Chính Mỹ gắn nhãn hiệu “thao túng tiền tệ” (currency manipulator) cho hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ nêu tên hai nước cùng một lúc bị cáo buộc thao túng tiền tệ, gây thiệt hại kinh tế cho nước Mỹ. Rồi đây, nếu các cuộc đàm phán giải quyết không xong các dị biệt, những nước đó có thể phải chịu thuế quan trừng phạt.

Khi mới lên làm tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã gắn nhãn hiệu “thao túng tiền tệ” với một nước duy nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ bị lên án với một tội trong khi Việt Nam và Thụy Sĩ đền bị lên án với 3 tội là duy trì mức độ thặng dư thương mại quá cao với Mỹ trong khi thặng dư cán cân vãng lai (ngoại tệ) cao và can thiệp thị trường ngoại hối, tức đánh sụt trị giá đồng nội tệ nhiều hơn giá trị thực, tạo lợi thế cạnh tranh kinh tế.

Những trường hơp như đối tác Việt Nam bị cáo buộc thặng dư thương mại với Mỹ hơn $20 tỉ (năm nay lên tới $58 tỉ), thặng dư cán cân vãng lai (ngoại tệ dự trữ, mua vào) tương đương ít nhất 2% GDP. Trong tương lai, CSVN có thể đối diện với thuế quan bị áp đặt thêm 25% như biện pháp trừng phạt.

Theo phân tích của ông Joseph Sullivan trên tạp chỉ Foreign Policy mới đây, Bộ Tài Chính Mỹ cáo buộc CSVN “can thiệp một chiều và liên tục” để đánh sụt trị giá đồng tiền tương đương với $16.8 tỉ, tương ứng với 5.1% GDP (tổng sản lượng quốc gia) của Việt Nam.

Sullivan từng là thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống Trump từ năm 2017 đến 2019. Theo ông Sullivan khi ông Trump ra các lệnh trừng phạt thuế quan dữ dội lên hàng trăm tỉ hàng hóa Trung Quốc, nhiều công ty sản xuất ở Hoa Lục đã chạy sang Việt Nam để tránh kẹt. Hàng hóa sản xuất từ Việt Nam bán sang Mỹ gia tăng đẩy trị giá đồng nội tệ lên cao hơn khiến lợi thế thương mại mới đem đến lại trở thành ít cạnh tranh hơn.

Nhân viên một ngân hàng kiểm đếm những đồng $100. (Hình: TANG CHHIN SOTHY/AFP/Getty Images)

Nhà cầm quyền CSVN sợ cái nhịp độ đồng tiền tiếp tục lên giá nên đã can thiệp trên mức độ quy mô làm cho Bộ Tài Chính Mỹ thấy báo động.

Ngay sau quyết định của Washington, CSVN vội vàng cho Ngân Hàng Nhà Nước ra thông cáo thanh minh các biện pháp tiền tệ chỉ là “nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”. Và “Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.”

Đồng thời Ngân Hàng Nhà Nước CSVN sẽ “tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.”

Liệu chính phủ của ông Biden vào năm tới quyết định thế nào về cáo buộc Hà Nội thao túng tiền tệ của chính phủ Trump, người ta chưa thể hình dung rõ rệt nếu Washington vẫn muốn củng cố mối quan hệ và kéo Hà Nội khỏi lún sâu vào vòng lệ thuộc Bắc Kinh.

David Hutt, một nhà báo người Anh cho rằng chính Mỹ đã “tự bắn vào chân mình” khi cột cái nhãn hiệu “thao túng tiền tệ” cho CSVN lúc đang phải cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với Bắc Kinh ở khu vực. Bởi vì, sau Hà Nội, sẽ có thể những nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore đang bị Mỹ xếp vào loại “theo dõi” về thao túng tiền tệ, cũng sẽ gặp nguy cơ bị gắn nhãn hiệu trừng phạt.

Theo ông Hutt, nhiều phần thuế quan trừng phạt sẽ không bị chính phủ Trump áp đặt trong một vài tuần lễ nữa, nhưng nó sẽ là áp lực buộc chính phủ tương lai của ông Tổng Thống đắc cử Biden phải chọn lấy một thái độ.

Nhưng đồng thời, Hà Nội nếu không làm gì cụ thể ngoài những lời chống chế để cải thiện những gì bị Washington cáo buộc cũng không giải tỏa được áp lực. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT