Thursday, March 28, 2024

Nạn xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam vẫn trầm trọng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nạn xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam vẫn trầm trọng, theo một bản tin về phiên họp của Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội Hà Nội đăng tải trên tờ Lao Động hôm 30 Tháng Chín.

Theo tường thuật của tờ Lao Động, “trong 8 tháng đầu năm 2017, có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục, trong đó có 116 em bị bạo lực và 716 em bị xâm hại tình dục. Tỉ lệ trẻ em nữ là nạn nhân vụ bạo lực và xâm hại tình dục chiếm 92%. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1,880 vụ xâm hại trẻ em với 1,976 bị cáo.”

Các con số thống kê vừa kể đi kèm với báo cáo “tổng hợp của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 có 14,790 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, tổng số nạn nhân là 13,524 người, tổng số người gây bạo lực là 14,177 người.”

Phát biểu tại phiên họp nói trên, Bộ Trưởng Bộ Lao Động Thương biNh và Xã Hội CSVN Đào Ngọc Dung cho biết, “Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội, song đây là vấn đề nhạu cảm, nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tô cáo nhất là người gây bạo lực là người thân. Tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.”

Giữa năm ngoái, báo chí trong nước cho hay, theo thống kê của Hiệp Hội Quốc Gia Phòng Chống Bạo Hành Trẻ Em (NSPCC) độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Đáng nói hơn, 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.

Ngày 14 Tháng Bảy, Văn Phòng Liên Hiệp Quốc về Chống Ma Túy và Tội Phạm (UNODC), Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tư Pháp Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo về giải quyết tình trạng bóc lột tình dục trẻ em, với trọng tâm là vấn đề du lịch tình dục trẻ em.

Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã bầy tỏ sự quan tâm đặc biệt và kêu gọi Việt Nam đối phó với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em rất phổ biến, nhưng thường bị bỏ lơ. Trong một bản thông cáo phổ biến ngáy 17 Tháng Ba, Liên Hiệp Quốc nhắc nhở nhà cầm quyền CSVN rằng: “Mọi trẻ em có quyền sống mà không chịu bạo lực, lạm dụng và bị bóc lột.”

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, cứ bốn trẻ em ở Việt Nam thì có một em nhỏ là nạn nhân của tình trạng lạm dụng và có ít nhất 1,300 trường hợp được báo cáo mỗi năm. Đây chỉ là con số ước lượng trung bình mà trên thực tế con số có thể còn lớn hơn nhiều. Tuy nhà cầm quyền lập ra đủ mọi thứ hội đoàn trong đó có những hội đoàn bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhưng tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục vẫn thấy không suy giảm.

Theo một báo cáo của nhà cầm quyền hồi Tháng Bảy, trong năm 2016 xảy ra 1,248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1,211 trẻ bị xâm hại. Năm 2015 xảy ra 1,360 vụ với 1,371 trẻ em bị xâm hại và con số của năm 2014 là 1,544 vụ và 1,594 trẻ em bị xâm hại. (TN)

MỚI CẬP NHẬT