Friday, March 29, 2024

Số người Việt Nam lo ngại về đói nghèo và ô nhiễm tăng vọt

HÀ NỘI (NV) – Số người chọn đói nghèo và ô nhiễm là những vấn nạn đáng ngại nhất tăng vọt trong cuộc khảo sát Chỉ Số Hiệu Quả Quản Trị và Hành Chính Công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2016.

PAPI là một cuộc khảo sát thường niên kể từ 2011 đến nay. PAPI do Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học-Kỹ Thuật Việt Nam, Trung Tâm Bồi Dưỡng Cán Bộ-Nghiên Cứu Khoa Học thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện.

Mỗi năm, PAPI khảo sát các khía cạnh: Sự tham gia của dân chúng vào hoạt động của chính quyền địa phương. Ðánh giá của dân chúng về: Công khai, minh bạch. Việc thực hiện nghĩa vụ giải trình của chính quyền. Kiểm soát tham nhũng. Thủ tục hành chính. Cung ứng dịch vụ công.

PAPI 2016 vừa được công bố ngày 4 Tháng Tư. Theo phía thực hiện cuộc khảo sát này thì có 14,000 người, cư trú tại 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam tham dự khảo sát.

Các chuyên gia thực hiện PAPI 2016 lưu ý rằng, kết quả khảo sát cho thấy, “đói nghèo” vẫn là vấn nạn quốc gia được những người tham gia khảo sát đặt lên hàng đầu. Dựa theo thu nhập, các chuyên gia đã chia những người tham gia khảo sát thành năm nhóm (thu nhập thấp nhất, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình, thu nhập trung bình cao, thu nhập cao nhất). Với cả năm nhóm, “đói nghèo” vẫn được chọn là vấn nạn lớn nhất của quốc gia. Ngay cả nhóm thu nhập cao nhất cũng có tới 19% nhận định như vậy.

Biểu đồ so sánh những thay đổi về kết quả khảo sát giữa PAPI 2016 với PAPI 2015. (Hình: CECODES, VFF-CRT & UNDP 2017)
Biểu đồ so sánh những thay đổi về kết quả khảo sát giữa PAPI 2016 với PAPI 2015. (Hình: CECODES, VFF-CRT & UNDP 2017)

Sau “đói nghèo,” so với PAPI 2015, có thêm 10.4% người tham gia PAPI 2016 chọn “môi trường” là vấn nạn thứ hai.

Trong tường trình về PAPI 2016, các chuyên gia thực hiện cuộc khảo sát giải thích, sở dĩ số người tham gia PAPI 2016 chọn “môi trường” là vấn nạn thứ hai gia tăng là vì sự lo âu cho môi trường sống trong dân chúng đã gia tăng sau thảm họa cá chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung. Những chuyên gia này nhấn mạnh, lo âu cho môi trường sống không chỉ khu trú ở khu vực duyên hải miền Trung mà lan rộng sang các khu vực khác bởi ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí cũng trầm trọng không kém. Có 67% số người sống gần sông ngòi, tham gia PAPI 2016 cho rằng, chất lượng nước đã giảm đáng kể. Tương tự, 36% cho rằng chất lượng không khí kém hơn nhiều so với trước đó ba năm.

Ngoài lo âu về đói nghèo, ô nhiễm gia tăng, những người tham gia PAPI 2016 nhận định, hiệu quả kiểm soát tham nhũng rất thấp.

Tỉ lệ hài lòng với nỗ lực kiểm soát tham nhũng tiếp tục giảm. Ðiểm trung bình mà những người tham gia khảo sát dành cho nỗ lực kiểm soát tham nhũng của hệ thống chính quyền cấp tỉnh chỉ có 5.80/10. So với sáu năm thực hiện PAPI thì chỉ hơn năm 2011 (5.64/10). Ðiểm trung bình cho công khai, minh bạch cũng rất thấp – chỉ 5.61/10, so với sáu năm thực hiện PAPI thì chỉ cao hơn năm 2015 (5.43/10). Nói cách khác, càng nhiều tuyên bố, hứa hẹn thì cả niềm tin lẫn cảm nhận của dân chúng vào cam kết công khai, minh bạch của chính quyền càng giảm.

Trong PAPI 2016, có tới 67.4 % cho rằng chính quyền thiếu quyết tâm chống tham nhũng. Khi được hỏi về đối đầu với tham nhũng, có 48.2% cho rằng có tố giác cũng chẳng hiệu quả, 17.4% không tố giác vì tin rằng sẽ bị trả thù, 10.1% không tố giác vì thủ tục quá rườm rà… (G.Ð)

Hơn 200,000 người tự kỷ ở Việt Nam đang bị bỏ rơi

MỚI CẬP NHẬT