Wednesday, April 24, 2024

Nguyễn Đức Chung ‘trở mặt’ vụ giúp làm sạch sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật bất bình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ Chức Xúc Tiến Thương Mại và Môi Trường Nhật Bản bất bình về thái độ trở mặt của Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội liên quan tới việc “thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch.”

Theo báo Người Lao Động, trong thông cáo sáng 7 Tháng Mười Hai, 2019, Tổ Chức Xúc Tiến Thương Mại và Môi Trường Nhật Bản (JEBO) phản bác thông tin cho rằng “Thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch chưa xin phép thành phố Hà Nội.”

“Chúng tôi xin lấy danh dự ra bảo đảm và khẳng định 100% đây là thông tin sai sự thật. Thực tế ngày 26 Tháng Tư, 2019, chúng tôi đã có buổi làm việc tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội để tham dự cuộc họp do ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các sở như: Xây Dựng, Ngoại Vụ, Tài Nguyên và Môi Trường, Khoa Học và Công Nghệ, Ban Quản Lý Dự Án Công Trình Cấp Nước Thoát Nước và Môi Trường, Công Ty Thoát Nước Hà Nội… để xem xét về việc đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công Ty Cổ Phần Cải Thiện Môi Trường Nhật Việt (JVE) đề nghị tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây,” thông cáo nêu.

Sau khi nghe ý kiến của đoàn chuyên gia Nhật Bản, JVE và của các cơ quan dự họp, ông Nguyễn Thế Hùng kết luận, chỉ đạo: “Đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công Ty JVE thực hiện thí điểm giải quyết làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản. Thống nhất thời điểm triển khai thí điểm dự kiến bắt đầu từ 16 Tháng Năm,2019.”

“Vì vậy, chúng tôi không rõ thông tin đưa ra về việc chúng tôi không xin phép thành phố là căn cứ như thế nào? Nếu nói rằng chúng tôi không xin phép vậy thì chúng tôi cũng xin hỏi là vậy văn bản thông báo 142/TB-VP đã ban hành có giá trị pháp lý không? Có còn hiệu lực không? Nội dung văn bản đã ghi rất rõ ràng là ‘đồng ý’ cho chúng tôi thực hiện thì chúng tôi không hiểu là chúng tôi còn phải làm thủ tục xin phép Ủy Ban Nhân Dân thành phố nào nữa?”, thông cáo của JEBO nêu rõ.

Quá trình thí nghiệm giải quyết nước thải của JEBO tại một đoạn sông Tô Lịch. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cũng theo JEBO, mỗi lần đến Hà Nội, nhìn dòng sông Tô Lịch chảy giữa thành phố và những “dòng sông chết” khác bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, JEBO đã luôn ấp ủ về việc có thể mang công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giúp người dân Hà Nội bớt khổ hơn nhưng có lẽ lòng tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng?

“Thật lòng mà nói, đến giờ phút này biết bao công sức, tiền của, thời gian của chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện ‘Dự án tài trợ miễn phí thí điểm giải quyết sông Tô Lịch’ này. Nhưng Tổ Chức JEBO Nhật Bản chúng tôi thấy buồn vì ngài chủ tịch thành phố Hà Nội lại thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép thành phố, như kiểu chúng tôi ‘làm chui’ trong khi thực tế là thực hiện theo văn bản thông báo của chính Ủy Ban Nhân Dân thành phố nêu rõ đồng ý cho phép JEBO thực hiện,” kết luận trong thông cáo nêu.

Theo báo Zing, trước đó chiều 6 Tháng Mười Hai, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, trả lời về việc làm sạch sông Tô Lịch, ông Nguyễn Đức Chung cho biết phía đơn vị thử nghiệm không hề xin phép thành phố mà đã thông qua Công Ty Thoát Nước Hà Nội để thử nghiệm giải quyết.

JEBO công bố văn bản của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đồng ý cho làm thí điểm tại sông Tô Lịch. (Hình: Tuổi Trẻ)

“Trong quá trình thực hiện, JEBO và JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố. Cụ thể, việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuyếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm. Không phối hợp với các cơ quan khi giải quyết thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Hà Nội đã đề nghị phía tổ chức này và JVE rút kinh nghiệm, đồng thời nghiên cứu kỹ pháp luật về xử lý môi trường.

Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bất bình xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế,” ông Chung nói.

Theo VNExpress, “Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor” bắt đầu từ ngày 16 Tháng Năm trên một đoạn sông khoảng 300 mét. Sau gần sáu tháng, ngày 10 Tháng Mười Một, 2019, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu: Giải quyết mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; bảo tồn hệ sinh thái…

Đến ngày 29 Tháng Mười Một, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội, cho biết chính quyền Hà Nội đã “nghiên cứu ba phương án làm sạch sông Tô Lịch” nhưng rồi chọn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để giải quyết. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT