Thursday, April 25, 2024

Quảng Ngãi: Làm đường cho dân bằng tiền phúng điếu của vợ và của chính mình

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, có những con đường được làm nên từ sự thành kính sau cùng của người sống dành cho người quá cố để tiếp tục sự tử tế, làm gương cho mọi người.

Bốn bia ghi danh “Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu ông Bùi Kiệt,” hay “Công trình được xây dựng từ tiền phúng điếu bà Lê Thị Hồi” được đặt trang trọng ở bốn tuyến đường tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa khiến không ít người tò mò thích thú.

Câu chuyện lấy tiền phúng điếu làm đường được người dân ở đây kể cho người khác nghe rất nhiều.

Kể với báo Tuổi Trẻ, ông Bốn Lực (ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp) cho biết: “Có đến bốn tuyến đường như thế này. Đường làm từ tấm lòng của vợ chồng bác Kiệt và cả lòng hiếu thảo của sáu người con.”

Ông Lực kể tiếp, trước đây ở xã Nghĩa Hiệp nhà nước chỉ bê tông hóa các trục đường chính, còn lại các tuyến đường khác thì bỏ mặc. Mỗi mùa mưa đến những con đường liên xã chưa làm luôn nhầy nhụa bùn đất, khiến người dân oằn lưng trên ruộng đồng phải bở hơi tai đưa hoa màu về nhà hay đem đi tiêu thụ. “Bác Kiệt thấy bà con khổ hay nói vui rằng ước gì Trời cho trúng mấy tờ độc đắc sẽ làm toàn bộ đường cho dân đi lại,” ông Bốn Lực nói.

Năm 2012, sau khi bà Lê Thị Hồi, vợ cụ Kiệt mất. Sau tang lễ, cụ Kiệt lên ủy ban xã Nghĩa Hiệp xin được lấy 280 triệu đồng ($12,061) tiền phúng điếu vợ để làm đường đã khiến cán bộ xã và nhiều người dân bất ngờ, bởi điều này chưa từng xảy ra trước đó.

Hóa ra ước mơ trúng độc đắc làm đường cho dân mà ai cũng nghĩ ông cụ nói chỉ để động viên người dân trong xã trước kia lại là niềm ấp ủ bấy lâu của hai ông bà.

Ông Trần Văn An, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Nghĩa Hiệp, vẫn nhớ cái ngày ông Kiệt cùng các con lên xã xin làm đường.

“Bác Kiệt vào nói với anh em ở xã: ‘Bà nhà tôi mất rồi, trước lúc mất bà bảo tôi không cần xây mồ mả chi cả, hãy lấy tiền phúng điếu làm đường cho người dân đi. Nay tôi lên xin xã cho phép được làm con đường’. Chúng tôi vừa xúc động vừa hạnh phúc. Dù bác không yêu cầu làm đường chỗ nào nhưng sau khi soát xét, chúng tôi chọn con đường liên khu dân cư gần nhà bác Kiệt để làm, cũng là để bác trai tiện nhìn thấy con đường mà hai vợ chồng mong muốn,” ông An nói.

Đến năm 2015, trước khi mất cụ Kiệt di nguyện lại với các con lấy tiền phúng điếu của chính mình làm đường. Vốn hồi còn sống được lòng dân làng nên số tiền phúng điếu sau đám tang lên đến 380 triệu đồng ($16,370).

Đám tang giản dị mà ấm áp qua đi cũng là lúc ba con đường nữa được khởi công. Người dân trong xã ra sức góp công làm đường. Ai cũng muốn góp sức để “bác Kiệt, bác Hồi” ở thế giới bên kia nhìn thấy di nguyện của mình dành cho dân làng là những con đường thật dài, thật tốt.

Bà Bùi Thị Phong, nhà giáo về hưu, con cụ Kiệt nói về chuyện lấy tiền phúng điếu cha mẹ làm đường, thay vì đem sửa lại căn nhà cấp bốn cũ nát bằng nụ cười hiền: “Đó là di nguyện của cha mẹ chúng tôi, phận làm con phải hiếu nghĩa. Với lại nếu làm nhà thì chỉ cho mình ở, có giúp được ai đâu,” bà Phong nói.

Nhắc đến cha mẹ, bà Phong nói: “Cha mẹ tôi luôn dạy rằng tiền tài bao nhiêu cho đủ. Không sân si là đủ. Sống phải biết chia sẻ, biết yêu thương. Có lẽ vì luôn nghĩ cho mọi người nên đến khi mất cha mẹ tôi cũng không quên để lại nguyện vọng cho con cháu,” bà Phong nói.

Ở xã Nghĩa Hiệp, vợ chồng ông Kiệt, bà Hồi là niềm tự hào của xóm làng.

“Cả một đời người, vợ chồng anh chị ấy chưa phút thảnh thơi, nhưng xóm làng cần gì cũng sẵn sàng giúp đỡ. Anh chị là hình mẫu cho cách sống với xóm làng và dạy dỗ con cái. Chúng tôi tự hào khi là hàng xóm của ông bà,” ông Tám (79 tuổi) nhớ về người anh chị xóm giềng của mình. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT