Monday, March 18, 2024

Sài Gòn, chuyện ba ngày Tết

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chuyện Tết Sài Gòn không biết kể từ đâu? Có lẽ nên bắt đầu từ chiều 30 Tết, trên Bến Bình Đông, Quận 8, nơi bắt đầu và kết thúc những vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố của một ngày cuối năm.

Nắng chiều nhẹ, dòng nước không mấy đen như mọi năm. Con nước lên, mới chỉ khoảng hơn 5 giờ chiều, nhiều ghe bán bông đã quay đầu để rời bến. Nhiều chiếc ghe nhẹ tênh, lướt trên dòng nước, phơi phới vì hàng bông, trái cây đã bán hết.

Năm nay, chợ hoa bến Bình Đông tan sớm, không kéo dài như những năm rồi, nhiều khi tới tận 9-10 giờ đêm.

Hàng bông năm nay về ít, chủ yếu là mai miền Tây nên bán hết sớm. Trừ một số ghe tắc kiểng bị ế phải chở về. Còn mai bán gần hết, số còn lại nhà vườn quyết định đem về, sang năm bán tiếp chứ không bán “đại hạ giá” như mọi năm.

Một chủ vườn miền Tây bán bông trên bến Bình Đông nói với chúng tôi: “Nếu các nhà vườn đều đồng lòng giữ giá, bán không hết đem về. Thì nhà vườn còn có thể sống được, chứ cứ bán đại hạ giá, thì nhà vườn sẽ mỗi năm… mỗi chết.”

Quy luật cung-cầu, không phải người làm vườn nào cũng biết. Thị trường hoa ngày Tết quá nhiều rủi ro, như hoa Đà Lạt “dội chợ” phải đổ bỏ chất như.. “núi rác.” Hay khu chợ hoa 23/9, người bán phải tự tay đập bỏ hoa của mình là những bài học chua xót, nhưng những điệp khúc này cứ mỗi năm “đến hẹn lại lên.”

Dâng hương ngày mùng 1 Tết tại Việt Nam Quốc Tự. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Đêm 30, Sài Gòn mát nhẹ. Xe cộ trên đường vắng hơn, phố đêm như rộng hơn.

Người dân đổ tới những nơi thờ cúng trang nghiêm, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, Lăng Ông Bà Chiểu, chùa Bà… để dâng hương, xin lộc.

Sáng Mùng Một Tết, không khí yên ắng lạ thường. Phố xá như còn “ngủ vùi” sau một đêm thức trắng đón giao thừa.

Trưa Mùng Một Tết, nắng chan hòa lung linh, Việt Nam Quốc Tự (đường Trần Quốc Toàn cũ), tràn ngập người dâng hương.

Nếu như chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm đa phần khách dâng hương là Phật tử thuần thành thì Lăng Ông – Bà Chiểu khách dâng viếng đa phần là dân miền Nam, gốc Gia Định xưa, tưởng nhớ công khai hóa của các bậc tiền hiền. Chùa Bà, Quận 5, khách viếng chủ yếu là người Hoa. Việt Nam Quốc Tự lại là nơi khách thập phương đông đảo, không kể người Việt, người Hoa, trí thức, thương gia, nam-phụ-lão-ấu, nam thanh nữ tú,… đến thắp nhang, cầu bình an, cầu mua may bán đắt, cầu tình duyên, cầu quốc thái dân an,…

Trưa Tết, những khu nhà giàu yên ắng trong nắng, đường phố vẫn nhiều xe qua lại, dù đã vắng bớt so với ngày thường. Nhưng trong những con hẻm khu lao động, nghèo mới thực sự thấy Tết.

Theo chân một cư dân kỳ cựu của xóm bờ kè Quận 8, chúng tôi đi vô những con hẻm chằng chịt, ăn thông với nhau. Nắng Tết chói chang, quá ngọ nên có phần nắng gắt. Những đứa trẻ tóc đỏ quạch, lưng trần đen nhẻm, be sườn “lòi,” lăng xăng chạy quanh những sòng bài lộ thiên. Đằng đây sòng bầu cua cá cọp, đằng kia sòng bài ba lá, xì-dzách; chiếu lô-tô với giọng đọc trầm bổng bắt chước mấy “cô đào” pê-đê ở hội chợ. Mấy tay đá gà đang cáp độ, những tờ bạc lớn được truyền tay. Trong khi hai chú gà xung trận tưng bừng, chỉ chưa đầy phút một con đã té giãy đành đạch,… Tay chơi thổ địa ghé tai chúng tôi, nói nhỏ: “Độ này tụi nó chơi thuốc rồi!”

Mùng Một, đi coi bói đầu năm tại Lăng Ông- Bà Chiểu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trước khi dẫn chúng tôi đi, tay thổ địa đã dặn trước: “Không quay phim, không chụp hình, không hỏi chuyện. Đó là luật giang hồ!”

Xóm nghèo, đông nghẹt những “tụ điểm”cờ bạc. Dù gì 3 ngày Tết “chèo” (công an) cũng nới tay, cho dân “thở.” Nhưng khi thấy những người lạ như chúng tôi đi vô, nhiều ánh mắt gườm gườm của mấy tay xăm mình nhìn soi mói, dù có tay thổ địa đi bên cạnh,…

So sánh mật độ xe trên đường ngày thường với ngày Tết ở Sài Gòn. Chú Tư, một người chạy xe Honda ôm có thâm niên ở quận 8, cho biết: “Thường ngày chạy từ Phạm Thế Hiển qua Bà Chiểu phải mất tới 35 phút, còn ngày Tết phóng cái ‘vèo’ 15 phút tới!”

Không phải dân lao động nhập cư nào cũng về quê ăn Tết. Những người Tết vẫn “bám trụ” lại Sài Gòn hầu hết vì lý do kinh tế. Như là mấy bác tài Taxi, Grab,… hay là một số người bán vé số quê ngoài Trung.Vì Tết nhiều người nghỉ vui Xuân, nên ai ở lại “chịu cày” thì đều kiếm thêm được. Dân Sài Gòn ngày thường đã hào phóng, Tết đến thương những người xa quê, nên thường “lì-xì” thêm ít nhiều, theo tinh thần “chia sớt với nhau mà sống!”

Nhưng cũng có người không về quê, mà nếu không nghe nói ra thì không ai biết lý do.

Như T, một cô gái quê miền ngoài, xinh đẹp giỏi giang, quá 30 tuổi, làm quản lý cho một công ty nước ngoài. Đã hai năm nay, cô không về quê ăn Tết. Chỉ vì, mỗi lần về là đầu trên, xóm dưới, xăm soi vặn vẹo, ai cũng cứ tra vấn cô là ở Sài Gòn, đã 30 ngoài rồi mà sao vẫn còn bị…”ế”? Rồi họ còn bày cho cô phải đi lễ thầy, xin lấy một lá “bùa yêu” để thoát cảnh mà họ gọi là “gái già cô độc.” Vẫn biết xưa nay có câu “đất có lề, quê có thói,” nhưng T không chịu nổi sự tra vấn, coi việc cô chưa thèm lấy chồng là một cái… tội. T ăn Tết ở Sài Gòn thấy vui, cô có thể đi ăn, đi cà-phê một mình mà chẳng ai thèm thắc mắc chuyện cô… “chưa chồng.”

Mùng 1 Tết, đông đảo khách thập phương tới dâng hương cầu an tại Việt Nam Quốc Tự. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Quân là một chàng trai trẻ quê miền Tây, đã lên Sài Gòn làm nghề lái taxi được mấy năm nay. Tiền kiếm được tuy không nhiều, nhưng Quân rất chịu khó “cày” và ăn xài cũng tằn tiện. Vì Quân có một cô bồ rất dễ thương ở dưới quê, đã hẹn hò – “Ra Giêng anh cưới em!” Quân nói Tết này Quân không về quê, vì sợ phải… lì-xì. Vì bạn gái của Quân là con út, trong một “đại gia tộc.” Theo nghĩa, nhiều anh chị, mà họ lại đông con, cháu.

Quân kể, năm rồi tới nhà bạn gái, mới lì-xì cho mấy đứa con anh Ba xong, thì con cô Tư lại kéo tới. Chưa kịp cất bóp, thì anh bảy đã dắt tới 6 đứa con “lít nhít” tới chào ra mắt “dượng Út” tương lai. Đúng là “xây xẩm mặt mày,” lì-xì ít thì mang tiếng “kẹo,” lì- xì “coi cho được” thì đúng là “méo mày méo mặt.” Hai tháng tiền lương thưởng Tết, chưa kịp “nóng bóp” đã vội “vỗ cánh bay… xa.”

Quân tính Tết này hẹn bạn gái lên Sài Gòn, vừa vui Xuân vừa sắm sửa một ít cho ngày cưới, vừa đí trốn… lì-xì. Nhưng Quân cũng ngại, cô bạn Quân hiền lành, dễ thương nhưng lại rất thích đi lễ đình, lễ chùa, coi bói, xin xăm. Quân sợ cái cảnh “bói ra ma quét nhà ra rác,” rồi những quẻ xăm lời lẽ mơ hồ làm bạn gái Quân nghĩ ngợi. Vì cuộc sống của người tái xế taxi như Quân, với đồng tiền kiếm được vừa bấp bênh, vừa “mỏng.” Nên Quân sợ cuộc tình sắp “đơm bông, kết trái” vì bói toán, xin xăm mà hóa “cuộc tình mong manh.” Với Quân, Tết này quả là “tiến thoái lưỡng nan.”

Mùng 2 Tết, chợ và siêu thị đã mở cửa trở lại. Nhưng khách đi chợ vẫn chưa có mấy người.

Phải ra ngoài mùng 5 Tết, khi công sở mở cửa làm việc trở lại. Dân lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố. lúc đó Sài Gòn mới chợt tỉnh “mộng ngày Xuân,” để trở về với những hối hả, tất bật lo toan của ngày thường. Để lại “no dồn đói góp”cho mùa Xuân… kế tiếp. (Văn Lang)

MỚI CẬP NHẬT