Saturday, April 20, 2024

Sợ bị quên lãng, Trần Long Ẩn lớn tiếng ca ngợi ‘nhạc đỏ’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một phát ngôn về dòng “nhạc vàng” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn do báo Phụ Nữ TP.HCM đăng tải đang nhận sự phẫn nộ từ cư dân mạng: “Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn từng bảo tôi: ‘Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của đảng và nhà nước, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được.’”

“Nhạc ca ngợi VNCH mà giờ cũng cho là ca ngợi nước CHXHCN Việt Nam thì không được. Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa,” tờ báo của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ ở Sài Gòn dẫn lời ông Ẩn, người đang ngồi ghế chủ tịch Hội Âm Nhạc ở Sài Gòn.

Phát ngôn của ông Ẩn được đưa ra trong bối cảnh các kênh của đài truyền hình quốc gia VTV đang phát sóng nhiều chương trình “nhạc vàng trước 1975” dưới tên gọi “bolero,” mà gần nhất là show “Âm Nhạc Việt Nam – Những Chặng Đường.”

Tên tuổi của ông Ẩn được công chúng biết đến qua dòng “nhạc đỏ” hồi thập niên 1980, và các ca khúc “Đi Qua Vùng Cỏ Non, Một Đời Người Một Rừng Cây, Tình Đất Đỏ Miền Đông”… Sự cực đoan của ông là có thể hiểu được vì ông mới nhận huy hiệu 45 năm tuổi đảng CSVN hồi Tháng Giêng và với nhà cầm quyền CSVN, ông là một trong những “nhạc sĩ lão thành tiêu biểu,” có nhiều công trạng trong việc sáng tác các ca khúc tuyên truyền, “nói tốt” cho chế độ sau 1975.

Điều kỳ lạ là ông Ẩn từng cho thấy ông “tiền hậu bất nhất” khi đề cập đến dòng “nhạc vàng.” Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Thanh Niên hồi Tháng Năm, 2019, ông Ẩn nói: “Năm 1966, tôi vào học trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, cùng bạn bè thuê một căn hộ trong hẻm để ở. Hàng xóm chúng tôi quá mê nhạc bolero nên mở nghe cả ngày lẫn đêm. Tôi nghe, thuộc đến mức cứ ngồi làm bài, ôn thi thì trong đầu lại vang lên toàn nhạc bolero, nhạc thất tình. Nhưng để sáng tác thì tôi không thích vì nghe riết tôi ngán. Có thể do tố chất, do nhạc từ nhà thờ, nhạc kháng chiến ngấm vào máu tôi rồi.”

Nhà văn Trần Nhã Thụy bình luận trên trang cá nhân: “Văn chương nghệ thuật đích thực là những gì còn lại sau những cơn bão thời gian. Còn những thứ minh họa thì dù được vote [bỏ phiếu] hết cỡ, rầm rầm rộ rộ một thời, rồi cũng chìm vào quên lãng. Đó là lẽ thường tình. Cho nên, những người như ông Trần Long Ẩn cũng không nên lấy làm buồn khi công chúng giờ không nghe nhạc của các ông. Cũng không vì người ta không ca ngợi mình mà mình đi… méc lãnh đạo. Hoặc cậy thế quyền mà quy chụp, trù dập người khác. Thời đó có lẽ qua lâu rồi. Người nghệ sĩ thực sự phải chấp nhận cô đơn, thậm chí là quên lãng. Nói cho cùng, cái mà người ta nhớ là tác phẩm chứ anh chị từng ngồi ghế nọ ghế kia chẳng ai nhớ đâu.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT