Tuesday, April 23, 2024

Tập Đoàn Phúc Lộc được chính quyền cho phá núi xây chùa

HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – “Chúng tôi là công ty cổ phần với gần trăm người góp vốn và kêu gọi công quả để xây dựng chùa. Sau khi xây xong sẽ bàn giao lại cho Giáo Hội [Phật Giáo Việt Nam] với đại diện là sư thầy Thích Đồng Huệ quản lý. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, công trình còn mang ý nghĩa chính trị. Chúng tôi muốn ngôi chùa như ‘cột mốc văn hóa’ để giữ chủ quyền đất nước,” ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện Công Ty Cổ Phần Phúc Lộc Hà Giang, được báo Zing dẫn lời.

Tờ báo này ghi nhận, Công Ty Phúc Lộc Hà Giang, gọi tắt là Tập Đoàn Phúc Lộc, đã hoàn tất việc khoét núi Rồng (Long Sơn) để tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú sát bên Cột Cờ Lũng Cú.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1,470 mét so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Di tích lịch sử này được cho là xây dựng từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887.

Những năm sau 1975, CSVN tận dụng Cột Cờ Lũng Cú để “nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước.”

Tuy hiện trường cho thấy ngọn núi đang bị khoét nham nhở để tạo mặt bằng xây ngôi chùa rộng 75 héc ta, Tập Đoàn Phúc Lộc nói với các báo nhà nước rằng họ “đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường phê duyệt và được sự đồng thuận của Ban Quản Lý Công Viên Địa Chất Cao Nguyên Đá Đồng Văn.”

Việc xây một ngôi chùa bề thế xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, gây tranh cãi vì người dân địa phương theo bảy tôn giáo khác nhau, đa số theo đạo Tin Lành và Công Giáo. Do vậy, có quan ngại ngôi chùa mới toanh mọc lên gần Cột Cờ Lũng Cú sẽ tương phản với văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực này.

Trong khi đó, theo báo Tuổi Trẻ, việc phá núi xây chùa của Tập Đoàn Phúc Lộc đã được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang phê duyệt. Khu du lịch văn hóa tâm linh này có tổng mức đầu tư khoảng 889 tỉ đồng ($38.4 triệu), gồm các công trình tâm linh, khu nhà khách và khu dịch vụ. Công trình này đã được khởi công từ năm 2016 với sự chứng kiến của giới chức lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Báo điện tử Kiến Thức cho hay, Tập Đoàn Phúc Lộc có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị là ông Lương Minh Tường, được biết là chủ đầu tư, nhà thầu của nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tập Đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 là liên danh trúng thầu dự án chống lũ sông Cầu, Thái Nguyên theo hình thức BT và đề xuất được đối ứng khoảng 34 “khu đất vàng” tại tỉnh Thái Nguyên. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT