Tuesday, April 16, 2024

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc tới gần vị trí khai thác dầu khí Việt Nam

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Tàu Hải Cảnh Trung Quốc tới gần vị trí khai thác dầu khí của Việt Nam chỉ cách Vũng Tàu khoảng 170 hải lý trên Biển Đông.

Theo bản tin của tổ chức “Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông” thì “Sáng 22 Tháng Hai, Hải Cảnh Trung Quốc số hiệu 5304 đã di chuyển vào khu vực mỏ Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng 1 hải lý. Ngoài ra, Hải Cảnh 5304 đã di chuyển rất gần một kho chứa dầu thô nổi tại khu vực mỏ Hải Thạch (khoảng cách gần nhất có thể dưới 500 mét).”

Giàn khoan tại mỏ Hải Thạch. (Hình: PVN)

Nguồn tin vừa kể cho hay, tàu Hải Cảnh nói trên, trọng tải 3,600 tấn, rời Đá Chữ Thập ngày 20 Tháng Hai, “di chuyển tới hoạt động ở phía Đông Bắc bãi ngầm Tư Chính, khu vực Lô 05.2 và Lô 05.3 trong thềm lục địa của Việt Nam.”

Nguồn tin còn cho biết thêm: “Khu vực này ngoài giàn khai thác, kho chứa còn có hệ thống đường ống dẫn dầu được hưởng hành lang an toàn 500 mét.”

Đại Ký Sự Biển Đông là một tổ chức thông tin và nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông tại Việt Nam do một số giáo chức thuộc Học Viện Ngoại Giao (trực thuộc Bộ Ngoại Giao CSVN) thực hiện. Tổ chức này có cả các trang Facebook, Twitter tiếng Việt, tiếng Anh.

Theo ghi nhận của Đại Ký Sự Biển Đông, khu vực hoạt động của Hải Cảnh 5304 cách Côn Đảo khoảng 135 hải lý, cách bờ biển Trà Vinh khoảng gần 170 hải lý, “tức là đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam hơn so với Hải Cảnh 5204 trước đó. Hải trình của Hải Cảnh 5304 trong thời gian vừa qua còn cho thấy tàu chấp pháp Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực ngoài khơi đảo Phú Quý (có thể đã hoạt động từ ngày 6 đến 18 Tháng Hai), vị trí mà Hải Cảnh 5204 cũng đã hoạt động từ đầu Tháng Hai.”

Hành động của tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang tính khiêu khích nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, tạo áp lực để các công ty dầu khí quốc tế bỏ chạy khỏi Việt Nam. Mấy năm vừa qua, nhiều công ty từ Nga tới Mỹ, Tây Ban Nha… đã phải dừng hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giữa năm 2020, công ty Nga Rosneft (liên doanh với Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam) đã phải hủy bỏ hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudre vì áp lực từ Trung Quốc. Rosneft thuê giàn khoan này khoan thăm dò tại lô 06-01 ở bãi Tư Chính, nhưng tàu Hải Cảnh Trung Quốc tới quấy nhiễu liên tục suốt nhiều tháng trong năm 2019.

Vị trí trên Biển Đông ngày 22 Tháng Hai của tàu Hải Cảnh 5304. (Hình: Đại Kỳ Sự Biển Đông)

Vào dịp tết Tân Sửu mới đây, Tân Hoa Xã đưa tin nói ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, khi nói chuyện qua điện thoại với ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, lặp lại những lời khuyến dụ từng được nói nhiều lần là hai nước “nên quản lý đúng cách các bất đồng trên biển và chống lại những sự xúi giục của các thế lực bên ngoài, hầu vận động sự phát triển hòa bình và ổn định khu vực.”

Tân Hoa Xã thuật lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với ông Tập Cận Bình là “Phát triển và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam vơi Trung Quốc luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của đảng và nước CSVN.”

Ông Trọng dịp này cho hay CSVN “sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc “làm sâu sắc lòng tin cậy chính trị lẫn nhau, tăng cường trao đổi giữa hai đảng, tăng tốc áp dụng các thỏa hiệp hợp tác thực tiễn song phương, hướng đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo chiều hướng phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định….”

Dân Việt đốt nhà máy Trung Quốc đầu tư sản xuất xuất cảng tại Bình Dương ngày 14 Tháng Năm, 2014. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Đối chiếu những lời tuyên truyền của những người đứng đầu Bắc Kinh và Hà Nội với thực tế diễn ra trên Biển Đông, thấy trái ngược nhau hoàn toàn. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT