Friday, April 19, 2024

Tàu thuyền ra vào cửa biển Phan Thiết mắc cạn, chính quyền vẫn thờ ơ

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Suốt ba năm qua, cửa biển Cảng Phan Thiết bị cát bồi lấp ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng trăm tàu thuyền ra vào cảng phải nương theo con nước rất khổ sở, thế nhưng giới hữu trách vẫn thờ ơ bỏ mặc.

Theo báo VNExpress ngày 10 Tháng Mười, 2019, khi thủy triều xuống thấp, cửa biển Cảng Phan Thiết nằm cuối sông Cà Ty lộ ra bãi bồi cạn trơ đáy do cát lắng đọng, bồi lấp lâu ngày không được nạo vét.

Lúc này, tàu thuyền chỉ di chuyễn được trên một dòng nước nhỏ nằm kè hữu ngạn bờ sông, rộng chừng 5 mét, sâu chưa tới đầu gối và chỉ đủ cho những chiếc thuyền thúng, thuyền gỗ nhỏ ra vào cửa biển. Trong khi đó, hầu hết tàu cá lớn và cả tàu khách đều phải nằm chờ con nước lớn.

Thế nhưng lúc thủy triều đạt đỉnh, luồng nước cũng chỉ nới rộng thêm chút ít và mực nước tại chỗ cạn cũng chỉ sâu chừng 2.8- 3 mét, không an toàn khi các tàu vận tải quay chân vịt. Do vậy khi xuất bến hay về bến, các tàu lớn phải thuê một tàu máy nhỏ buộc dây vào mũi kéo qua chỗ cạn khoảng 100 mét. Tình trạng này đã tồn tại suốt ba năm qua.

Bên trong cửa biển Cảng Phan Thiết luôn có khoảng 300 tàu cá neo đậu thường xuyên. Nhiều tàu trong và ngoài tỉnh từng bị mắc cạn, hư hỏng chân vịt, vỡ tàu…

Ngư dân sau mỗi chuyến đi biển về muốn vào bến sớm để bán cá được giá cao phải phụ thuộc vào con nước. Nhiều lúc đợi vào được cảng thì đã quá trễ, đành phải bán giá rẻ hơn. “Nhiều khi đánh bắt ở hướng Nam rất gần với cảng, nhưng chúng tôi phải chạy thẳng xuống Bà Rịa-Vũng Tàu để bán rất bất tiện, tốn kém,” ông Trần Văn Cường, một ngư dân ở thành phố Phan Thiết cho biết.

Người dân đi tàu ra Đảo Phú Quý phải dựa theo con nước thủy triều. (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)

Để đỡ tốn kinh phí và mất thời gian chờ con nước lên xuống khi ra vào cửa biển, lịch xuất bến của các tàu có công suất lớn gần như được xếp theo lịch thủy triều. Việc này gây không ít khó khăn và khiến các thuyền trưởng hoàn toàn bị động.

Ông Phan Minh Toàn, thuyền trưởng Tàu Khách Supper Dong Phú Quý 1, cho biết gặp khi con nước cạn, nhiều lúc tàu phải chạy lúc 4-5 giờ sáng. Ra tới Đảo Phú Quý, tàu cho khách lên xuống chỉ trong 15-20 phút, rồi liền quay về Phan Thiết mới mong kịp con nước trở vào cảng. Lịch trình xuất bến của tàu cũng vì thế mà không cố định, lúc trễ lúc sớm.

“Nhiều năm nay, luồng lạch cửa biển cạn đã gây thiệt hại không biết bao nhiêu cho ngư dân có tàu cá ở cảng và ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân,” ông Toàn than.

Ông Nguyễn Hoài Tiến, phó giám đốc Ban Quản Lý Cảng Cá Phan Thiết, thừa nhận phản ảnh của người dân là đúng. Không chỉ ngư dân, các cơ sở thu mua hải sản cũng phàn nàn về chuyện này. Họ đã yêu cầu từ nhiều năm nay, nhưng việc nạo vét không thuộc trách nhiệm của Ban Quản Lý.

“Chúng tôi rất mong ngành hữu trách nhanh chóng nạo vét cửa biển để cho tàu thuyền ra vào thuận lợi, nhất là bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão,” ông Tiến nói.

Nói với báo VNExpress, ông Nguyễn Quốc Nam, phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải Bình Thuận, cho biết việc nạo vét luồng hàng hải ở Cảng Phan Thiết thuộc thẩm quyền của Cục Hàng Hải.

Theo đó hồi cuối năm 2017, dự án “Đầu Tư Xây Dựng Công Trình Nạo Vét Tuyến Luồng Hàng Hải Phan Thiết Cho Tàu Biển Hơn 1,000 Tấn” đã được thủ tướng chấp thuận đầu tư từ nguồn kinh phí “bảo đảm bảo an toàn hàng hải.” Đến giữa năm 2018, Bộ Giao Thông Vận Tải phê duyệt thông qua dự án.

“Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng ($1.29 triệu) chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi ngân sách nhà nước nên cho đến nay dự án chưa thể khởi công,” ông Nam cho biết. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT