Thursday, March 28, 2024

Tàu Trung Quốc khảo sát địa chất ở bãi Tư Chính kiêm luôn tình báo

HONG KONG (NV) – Đoàn tàu khảo sát địa chất đông đảo của Trung Quốc, ngoài chuyện thu thập dữ kiện khoa học, còn giúp Bắc Kinh khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và kiêm luôn cả tình báo, trinh sát.

Tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông nêu sự nghi ngờ của các nước khác đối với đoàn tàu khảo sát đại dương lên tới 54 tàu thuộc nhiều cỡ lớn nhỏ khác nhau của Trung Quốc.

Chúng được trang bị nhiều loại máy móc điện tử tối tân để thi hành các sứ mạng giúp Bắc Kinh mở rộng các hoạt động trên biển thuộc các lãnh vực khác nhau.

Những tuần lễ gần đây, một số trong các tàu khảo sát nói trên đã xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia. Chúng không đi lẻ loi một mình mà còn có các tàu hải cảnh hộ tống.

Cuộc đối đầu giữa nhóm tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam với tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 được hộ tống với nhóm tàu hải cảnh và “dân quân biển” xâm phạm khu vực bãi Tư Chính trong thềm lục địa Việt Nam, từ đầu Tháng Bảy. Có thời điểm chúng lên tới 80 tàu, đã buộc Hà Nội phải cho Bộ Ngoại Giao đòi hỏi “qua các kênh khác nhau” gồm cả gửi công hàm, phản đối Bắc Kinh.

Tàu khảo sát vừa kể chỉ đi khỏi khu vực Tư Chính ngày 7 Tháng Tám, 2019, sau khi đã quanh quẩn ở đó hơn một tháng. Tin tức quốc tế cho hay nguyên nhân chính yếu là Bắc Kinh cho nhóm tàu tới quấy phá với mục đích thúc ép Hà Nội dừng các hoạt động khoan tìm dầu khí ở lô 6-1 nằm trong bãi Tư Chính.

Bãi Tư Chính và các khu vực phụ cận thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại nằm trong 9 cái vạch chủ quyền ngang ngược nối lại giống hình “lưỡi bò” của Trung Quốc, chiếm hơn 80% Biển Đông.

Theo thông tin của nhóm Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc tổ chức Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC, chiếc tàu Haiyang Dizhi 8 được hộ tống chính yếu từ chiếc tàu hải cảnh 12,000 tấn, mang số hiệu 3901, và tàu hải cảnh 2,200 tấn mang số hiệu 37111.

Hiện nay, người ta chỉ biết tàu Haiyang Dizhi 8 đi khỏi nhưng các tài hải cảnh vẫn quanh quẩn tại bãi Tư Chính. Nó sẽ quay lại sau khi được tiếp dầu và thực phẩm ở đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa hay đi luôn, không ai được biết.

Hiện đang có nhiều dự đoán khác nhau, theo đó có cả sự lo ngại, rất có thể Bắc Kinh, sau khi không thuyết phục được Hà Nội ngừng khoan thêm mỏ mới ở khu vực Tư Chính, sẽ đưa giàn khoan nước sâu tới để khoan dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Nếu chuyện này xảy đến, liệu Hà Nội sẽ đưa thêm nhiều tàu cảnh sát biển, kiểm ngư tới để xua đuổi hay không, và liệu có thành công không khi quá nhỏ bé so với sức mạnh của đội tàu Trung Quốc.

Khi Việt Nam đưa một nhóm tàu kiểm ngư, cảnh sát biển tới xua đuổi giàn khoan nước sâu Haiyang 981 khoan tìm dầu khí phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi giữa năm 2014, họ chỉ lòng vòng phía xa chứ không thể tới gần vì bị đội tàu hải cảnh Trung Quốc lớn hơn, đông hơn ngăn cản. Một số tàu của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm hư hại nghiêm trọng.

Cho tới giờ này, không ai biết chuyện đối đầu ở khu vực Tư Chính còn hay đã qua đi, báo chí tại Việt Nam không được cho phép đến tận nơi lấy tin, chụp hình, quay phim. Họ cũng không được tường thuật chi tiết gì ngoài những bài viết lòng vòng về pháp lý, đặc quyền kinh tế theo Công Ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) dựa trên ý kiến của một số chuyên viên trong ngoài nước.

Hôm Thứ Sáu tuần qua, báo Inquirer của Philippines cho hay đại sứ Trung Quốc tại Manila là Zhao Jianhua (Triệu Giám Hoa) tuyên bố lập trường của Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế The Hague năm 2016 vẫn không thay đổi.

Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte dự trù đi Bắc Kinh gặp Chủ Tịch Tập Cần Bình cuối tháng này và ông dự trù đề cập cả phán quyết vừa kể.

Lời ông Triệu Giám Hoa vừa là trực tiếp nói với Philippines nhưng đồng thời gián tiếp nói với Việt Nam khi một số bài phỏng vấn trên báo chí Việt Nam thúc giục kiện Trung Quốc như Philippines đã làm và đã thắng. Vấn đề chính yếu vẫn là có ngăn cản được tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh hay không. (TN)

MỚI CẬP NHẬT