Thursday, March 28, 2024

Việt Nam ‘né’ vaccine COVID-19 của Trung Quốc vì ‘thiếu tin cậy chính trị’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thiếu “tin cậy chính trị” trong khi vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất lại kém hữu hiệu, nên nhà cầm quyền CSVN đã không dùng thuốc chủng ngừa Sinovac.

Hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Ba, tờ South China Moring Post (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông có bài phân tích về việc CSVN là “đồng chí anh em” với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã không cung cấp thuốc chích ngừa COVID-19 của hai công ty Sinovac và Sinopharm cho Việt Nam trong khi cấp miễn phí cho hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Viên chức y tế xịt thuốc khử trùng lên các kiện hàng chở thuốc chích ngừa COVID-19 nhập cảng từ Anh Quốc ngày 24 Tháng Hai, 2021. (Hình: PHU NGUYEN/AFP/Getty Images)

Những gì hé lộ qua bài viết vừa kể cộng với những gì nhìn thấy trên hệ thống thông tin tuyên truyền của Hà Nội và truyền thông quốc tế, người ta hình dung ra cái mối quan hệ có “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” ràng buộc lấy nhau giữa CSVN và Trung Quốc rất “hình thức” bề ngoài.

CSVN hãnh diện là một trong những nước có tỉ lệ người nhiễm và chết vì dịch COVID-19 thấp nhất thế giới.

Ngày 24 Tháng Hai vừa qua, một chuyến máy bay chở 117,000 liều thuốc chủng ngừa COVID-19 từ Anh Quốc về tới Việt Nam. Bắt đầu từ ngày Thứ Hai, 8 Tháng Ba, những tỉnh thành đang có dịch như Hà Nội, Hải Dương, Sài Gòn, sẽ bắt đầu chích cho những thành phần có nguy cơ nhiễm dịch cao nhất.

Ngay từ tháng trước, truyền thông quốc tế cho hay Trung Quốc đã viện trợ cho Philippines 600,000 liều thuốc chủng ngừa COVID-19. Trước đó họ cũng đã viện trợ cho Lào 300,000 liều và 600,000 liều cho Cambodia.

Trừ Việt Nam ra, Trung Quốc cũng gửi thuốc chủng ngừa đến Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Miến Điện cũng được Trung Quốc hứa hẹn nhưng chưa thấy chuyển giao.

Công ty Trung Quốc Sinopharm khoe rằng thuốc ngừa COVID-19 của họ hiệu quả đến 72.5% trong khi công ty Sinovac thấy nhiều tin tức đối chọi nhau như chích thử nghiệm ở Brazil hiệu nghiệm chỉ 50.6% trong khi lại thấy hiệu quả 91% ở Turkey. Cả hai nơi đều chỉ chích thử trên một số nhỏ nhân viên y tế. Không ai có thể kiểm chứng được một cách độc lập sự hiệu quả thật sự của các thuốc chích ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất tại chính quốc gia này.

Hồ tháng trước, tờ Dân Trí thuật theo báo chí quốc tế nói “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4 Tháng Hai đã cảnh báo những rủi ro liên quan tới vắc xin COVID-19 của Trung Quốc. Ông Macron cho rằng vắc xin Trung Quốc đang thiếu các thông tin cần thiết và có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các biến chủng vi rút mới nếu vắc xin không hiệu quả.”

Nhân dịp Việt Nam nhập cảng thuốc chích ngừa COVID-19 của công ty Anh Quốc AstraZeneca/Oxford, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN ngày 25 Tháng Hai được đài truyền hình PhoenixTV (Hồng Kông) hỏi về việc Việt Nam có mua thuốc chích nghừa của Trung Quốc hay không, bà Lê Thị Thu Hằng né trả lời thẳng.

Bà Hằng chỉ nói lờ mờ là “ngoài những nguồn vắc xin như đã nêu ở trên (Anh Quốc, Nga, Mỹ) Việt Nam hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác trên thế giới để có nguồn vắc xin phong phú nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân,” theo tường thuật của các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ.

Tờ SCMP hôm Chủ Nhật dẫn nhận định của bà Nguyễn Phương Linh, phụ tá giám đốc công ty tư vấn quốc tế tại Singapore về kềm chế thiệt hại Control Risks cho rằng “chính sách ngoại giao thuốc chích ngừa của Trung Quốc đã thất bại với Việt Nam phần chính yếu vì tinh thần bài Trung Quốc của người dân.”

Chích thử nghiệm vaccine COVID-19 do công ty Nanocovax của Việt Nam nghiên cứu hồi Tháng Mười Hai, 2020. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Lời bà Linh trên tờ SCMP: “Từ khi bắt đầu có đại dịch COVID-19, virus này đã được loan truyền rộng rãi tại Việt Nam là bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ đó, tinh thần bài Trung Quốc đã rất mạnh và không có dấu hiệu giảm bớt.”

SCMP cũng dẫn nhận định của bà Lê Thu Hường, một phân tích gia chính trị tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách Chiến Lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) cho rằng phải cần có mức độ tin cậy cao đối với thuốc chích ngừa để người dân chịu chích.

Theo bà Hường, ngay từ khi dịch bắt đầu phát tác mạnh hồi năm ngoái, Trung Quốc đã không cung cấp vật phẩm ngăn ngừa dịch cho Việt Nam trong khi lại cấp cho nhiều nước ASEAN khác, láng giềng của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ mức độ chính trị hóa của Bắc Kinh trong chính sách “ngoại giao thuốc chích ngừa COVID-19” mà Hà Nội lưu ý.

Lâu nay, mối quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em, dù vẫn giao thương sâu rộng, những hiềm khích và nghi ngờ về chủ đích chính trị của nhau cũng vẫn tồn tại song song.

Hà Nội nhìn thấy Bắc Kinh muốn nuốt trọn Biển Đông, chiếm cả các đảo và bãi đá Việt Nam vẫn còn chiếm giữ tại Trường Sa. Không những vậy, Bắc Kinh còn dùng nước thượng nguồn dòng Mekong như một thứ võ khí chiến lược đối với các nước hạ lưu mà Việt Nam là nạn nhân cuối dòng bị ảnh hưởng nặng nhất.

Suốt năm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đi du thuyết tất cả các nước ASEAN trừ Việt Nam cho người ta hiểu chuyện thuốc chích ngừa COVID-19 của Trung Quốc không có mặt tại Việt Nam không phải chỉ là chuyện y tế. Lãnh tụ hai nước hô hào tăng cường độ tin cậy chính trị lẫn nhau nhưng “nói vậy mà không phải vậy.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT