Wednesday, April 17, 2024

Tổ chức Lương Nông Quốc Tế thúc Việt Nam công bố dịch tả heo

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) thúc hối Việt Nam công bố dịch tả heo cấp quốc gia khi thấy dịch ngày càng lây lan nhanh chóng hiện đã có 19 tỉnh, thành từ miền Bắc tới miền Trung.

Dịch tả heo Phi Châu (African Swine Fever) xuất hiện tại Việt Nam từ đầu Tháng Hai ở tỉnh Hưng Yên rồi sau đó thấy lây lan ra các tỉnh chung quanh, nay thì đã lan vào tới tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nhà cầm quyền từ trung ương tới các địa phương cấm dân chúng chia sẻ, đưa thông tin trên mạng xã hội về dịch lây lan. Người dân khuyến cáo nhau đừng nên ăn thịt heo cũng bị coi là tuyên truyền ngược với chủ trương của nhà nước, nên một số người đã bị thẩm vấn.

Hôm Thứ Ba, 19 Tháng Ba, báo Dân Việt cho hay: “Chi Cục Thú Y tỉnh Lai Châu đã phối hợp với huyện Tam Đường tổ chức tiêu hủy hơn 100 con lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi tại bản Đông Phong, xã Thèn Sin. Như vậy, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở tỉnh Lai Châu và tỉnh này chưa công bố dịch.”

Trước đó một ngày, báo Pháp Luật TP.HCM thuật lời ông Trịnh Đức Hùng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), cho biết: “Kết quả xét nghiệm mẫu lợn chết ở xã Phong Sơn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.” Số heo nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.

Như vậy, 19 tỉnh thành, với ít nhất 241 địa điểm có dịch tả heo Phi Châu tại Việt Nam tính đến ngày 19 Tháng Ba là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Lai Châu, Nghệ An, Lạng Sơn, Sơn La, Thừa Thiên-Huế.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng ở khu vực xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi dịch xuất hiện. (Hình: Người Lao Động)

Thịt heo là loại thịt được sử dụng nhiều nhất trong các bữa ăn của người Việt Nam, chếm đến 3/4 lượng các loại thịt tiêu thụ trên tổng số dân hơn 95 triệu người. Khoảng 30 triệu nông trại, đại đa số là các trại nuôi heo có tính cách gia đình.

“Số heo bị tiêu hủy vì nhiễm dịch tả Phi Châu và các biện pháp đối phó dịch dẫn đến các gánh nặng nghiêm trọng cho giới nông dân Việt Nam.” Ông Albert T. Lieberg, đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam, cho báo chí hay sau khi ông đã thảo luận với đại diện nhà cầm quyền Việt Nam hồi tuần trước, theo tin Reuters.

Nguồn tin thuật lời ông Lieberg cho biết, Việt Nam đã thi hành chặt chẽ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh nơi con heo và thịt heo, cũng như đã tiêu hủy hơn 25,000 con nhưng đại diện FAO cho rằng các cơ sở chăn nuôi nhỏ với vấn đề vệ sinh thấp sẽ giúp cho dịch lây lan.

Tuy dịch tả heo Phi Châu không lây lan sang người nhưng với con heo thì vẫn không có thuốc chữa.

Việt Nam gọi là “bệnh dịch tả heo Châu Phi” không phải chứng bệnh tiêu chảy trên con heo hiểu theo nghĩa “bệnh tả” mà là một chứng bệnh sốt do một loại virus gây ra, hiện nay không có thuốc trị. Khi con vật mắc bệnh, nó bỏ ăn rồi nằm liệt một chỗ cho đến khi chết, không con nào sống sót. Virus dịch tả heo Phi Châu (African Swine Fever Virus) gây ra bệnh sốt xuất huyết ở heo.

Khi khám phá các triệu chứng nhiễm bệnh, cách giải quyết duy nhất là tiêu hủy để trừ mầm bệnh tiếp tục lây lan xa hơn. Tại Việt Nam, cách tiêu hủy là đào hố sâu rồi xịt thuốc sát trùng và chôn các con vật bị bệnh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Ba, dẫn tin từ Hiệp Hội Chăn Nuôi cho biết mỗi tháng người Việt tiêu thụ khoảng 3 triệu con heo nuôi trong nước, tương đương 300,000 tấn. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT