Saturday, April 20, 2024

Tổ chức Project 88 tố nhà cầm quyền CSVN tiếp tục siết cổ báo chí

WASHINGTON, DC (NV) – Một bài viết trên tạp chí thời sự chính trị Diplomat cáo buộc nhà cầm quyền CSVN tiếp tục siết cổ báo chí độc lập tại Việt Nam.

Bài viết cho rằng khi chế độ độc tài đảng trị CSVN còn tồn tại ở Việt Nam, nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, tự khoe rằng “tự do đến thế là cùng” thì chẳng có hy vọng gì sẽ có tự do thông tin, tự do báo chí cả. Đó là một phần nội dung bài phân tích trên tạp chí Diplomat số ra ngày 3 Tháng Năm của tác giả Stewart Rees.

Bà Trần Thị Tuyết Diệu (thứ hai từ phải), cựu phóng viên báo Phú Yên, bị xét nhà ngày 23 Tháng Tám, 2020. (Hình: Công An Nhân Dân)

Ông Rees là một cộng tác viên của Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Project 88, một tổ chức có trụ sở chính tại Hoa Kỳ do một số nhà hoạt động nhân quyền Mỹ và người Mỹ gốc Việt Nam sáng lập, điều hành.

Project 88 có bản tin phổ biến hằng tuần về tin tức nhân quyền tại Việt Nam.

Tác giả Stewart Rees kể trên Diplomat một số vụ đàn áp nổi bật giới cầm bút độc lập mấy năm gần đây như bỏ tù bà Trần Thị Tuyết Diệu ở Phú Yên, bỏ tù ba người đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập (Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn), bắt bà Phạm Đoan Trang ở Sài Gòn, bắt nhà truyền thông độc lập Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, bắt ông Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình, bắt ông Trương Châu Hữu Danh ở Long An và ba cộng tác viên “Báo Sạch” của ông là Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo.

Họ bị cáo buộc các tội danh theo các điều luật hình sự rất mơ hồ, giải thích ngược xuôi đều được, như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” thậm chí cả tội “Hoạt động lật đổ…” mà bản án có thể lên đến tử hình, dù người ta chỉ viết những điều nào đó ngược với sự tuyên truyền của nhà cầm quyền.

Những người bị bắt và bỏ tù là những người làm truyền thông độc lập, sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin thời sự xã hội, hoặc bình luận về các vấn đề liên quan, trực tiếp đến người đọc, người nghe trên Facebook, YouTube, không qua sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN. Một số người trong số đó từng làm cho báo tuyên truyền của chế độ, không chấp nhận tiếp tục tuyên truyền dối trá, trở thành người đưa tin độc lập.

Theo ông Rees, các vụ bắt giữ những người hoạt động truyền thông độc lập là một phần của tình trạng ngày càng tồi tệ về quyền tự do phát biểu tại Việt Nam khi nhà cầm quyền CSVN ngày càng soi mói nghiêm ngặt nội dung bài viết hoặc thông tin hay lời phát biểu người ta đưa lên mạng.

Đầu năm 2019, Luật An Ninh Mạng CSVN có hiệu lực, trong đó, nhà cầm quyền buộc các công ty dịch vụ Internet phải giao nộp các dữ liệu, thông tin cá nhân khách hàng để nhà cầm quyền sử dụng làm tài liệu bỏ tù công dân. Năm 2020, công ty Facebook chấp nhận gia tăng kiểm duyệt nội dung người ta phổ biến trên các trang Facebook cá nhân sau khi nhà cầm quyền CSVN cắt mạng Facebook tại Việt Nam để làm áp lực.

Mạng xã hội rất phổ biến tại Việt Nam, riêng Facebook đã có khoảng 66 triệu người có tài khoản cá nhân, tức tới hai phần ba dân số cả nước. Mạng xã hội là một diễn đàn để thảo luận mọi loại đề tài, phê phán, cũng như tự do trao đổi các ý tưởng chính trị khác nhau. Tất cả những ý niệm ấy đều bị đảng CSVN phản bác.

Ít nhất có 10 người bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam năm 2020 chỉ vì những lời bình luận của họ trên mạng xã hội. Họ chẳng là thành phần của tổ chức hay phe nhóm nào cả, mà chỉ là những cá nhân phát biểu độc lập, theo bản báo cáo nhân quyền hằng năm của Project 88.

Ba nhà báo độc lập (từ trái) Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Phạm Chí Dũng bị CSVN kết án tù ngày 5 Tháng Giêng, 2021. (Hình: Quân Đội Nhân Dân)

Theo bài viết trên tạp chí Diplomat, tự do báo chí là điều cốt yếu để người dân buộc những kẻ làm chính trị, cầm quyền, phải thi hành đúng nhiệm vụ phục vụ quyền lợi của dân. Các nhà báo độc lập, những người vận động dân sự dùng mạng xã hội để tổ chức chống đối các luật lệ đi ngược lại quyền lợi của dân, vận động chống tham nhũng, chống tàn hại môi trường.

Nhà cầm quyền CSVN tước đoạt quyền tự do phát biểu, tự do thông tin của người dân là nhằm phục vụ lợi ích của nhà cầm quyền độc tài, đương nhiên là công dân phải chịu đựng hệ quả tù tội.

Khi nhà độc tài Nguyễn Phú Trọng ở lỳ lại thêm nhiệm kỳ thứ ba dù đã quá tuổi nghỉ hưu, đây là dấu hiệu kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt và các bản án nặng nề sẽ tồn tại. Ông Rees nói rằng đó là “tin xấu cho giới nhà báo, tin xấu cho Việt Nam.” (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT