Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc gia tăng xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa

WASHINGTON (NV) – Những không ảnh mới nhất được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC chứng minh các hoạt động xây dựng và phát triển cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.

Dư luận đã đặc biệt theo dõi các hoạt động bồi đắp 7 đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở quân sự quy mô của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa nên ít chú ý đến các hoạt động tương tự tuy tầm vóc nhỏ hơn nhưng không kém quan trọng của họ tại quần đảo Hoàng Sa trong mưu đồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Ðông.

Trung Quốc cũng đã bồi đắp mở rộng thêm một số đảo, xây dựng cảng biển và bãi đáp trực thăng trên đó cho các mưu đồ quân sự, tổng cộng đến 20 địa điểm chứ không riêng gì một số đảo lớn.

Qua các không ảnh mới nhất chụp trong cuối Tháng Giêng 2017 mà tổ chức CSIS có được, người ta thấy 3 trong số các cảng biển được Trung Quốc xây dựng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có thể tiếp nhận các tàu quân sự và dân sự cỡ lớn. Bốn cảng ở các đảo nhỏ khác nhỏ hơn và một cảng nữa đang được xây dựng ở đảo Duy Mộng (Drummond Island).

Quần đảo Hoàng Sa. (Hình: CSIS)
Quần đảo Hoàng Sa. (Hình: CSIS)

Năm trong số các đảo tại quần đảo Hoàng Sa có bãi đáp trực thăng mà đảo Quang Hòa (Duncan Island) được xây dựng cơ sở cho căn cứ trực thăng. Ðảo Phú Lâm (Woody Island) lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa cũng đã được bồi đắp mở rộng thêm và phi đạo trên đảo này cũng đã được kéo dài thêm. Một số cơ sở nhà chứa máy bay đã được xây dựng thêm trên đảo này. Năm ngoái, người ta thấy một số giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 đã được bố trí trên Phú Lâm sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa.

Ðảo Phú Lâm được Trung Quốc xây dựng ráo riết từ mấy năm qua, biến nơi này thành Bộ Chỉ Huy quân sự và hành chánh cho cả các đảo ở phía Nam Biển Ðông mà họ gọi là “Tam Sa.” Trên đây họ xây sự thêm 2 cảng biển, căn cứ không quân ở Phú Lâm gồm có 16 tòa nhà chứa máy bay quân sự trong đó có 4 tòa nhà cỡ lớn.

Tuy hồi Tháng Bảy năm ngoái, người ta không còn nhìn thấy các giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 nhưng rồi người ta lại thấy sau đó chúng được bố trí ở phía Bắc của đảo này. Sau đó, có tin họ bắn thử nghiệm một loại hỏa tiễn chống hạm nhưng hiện không có tin tức gì cho biết chúng còn được giữ trên đảo hay không.

Không ảnh đảo Phú Lâm chụp ngày 28 Tháng Giêng 2017. (Hình: CSIS)
Không ảnh đảo Phú Lâm chụp ngày 28 Tháng Giêng 2017. (Hình: CSIS)

Người ta nhìn thấy từ năm 2013, Trung Quốc đã có chủ trương biến đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo đều có các phi đạo cỡ lớn dài 3,000 mét ở Trường Sa gồm đảo Ðá Thập ( Fiery Cross), đảo Su-Bi (Subi) và đảo Vành Khăn (Mischief) thành những căn cứ quân sự chính gồm cảng biển lớn và phi đạo được trang bị cả hỏa tiễn phòng không cũng như hỏa tiễn tầm xa.

Ðảo Quang Hòa (Duncan Island) và Quang Hòa Tây (Palm Island), được nối liền với nhau bằng một dải cát bồi đáp thêm. Theo CSIS, đây là căn cứ quân sự tối tân hàng thứ nhì sau đảo Phú Lâm mà Trung Quốc xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa với một cảng biển đáng kể. Một căn cứ trực thăng được xây dựng với nhiều nhà chứa trực thăng và 8 bãi đậu, điều này cho thấy đảo Quang Hòa có vai trò quan trọng trong khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc ở khu vực.

Tại Ðảo Cây (Tree Island), năm ngoái Trung Quốc đã ráo riết cải tiến các cơ sở. Họ đã nạo vét để lập cảng biển ở đầu Tây Nam của đảo nhỏ này cũng như đang còn mở rộng thêm diện tích trên đảo rất đáng kể. Các cơ sở được xây dựng gồm cả vòm radar, nhiều cơ sở chôn ngầm dưới đất tương tự như được xây dựng ở Phú Lâm và các đảo nhân tạo Ðá Thập, Su-Bi và Vành Khăn.

Chi tiết đảo Phú Lâm chụp ngày 28 Tháng Giêng 2017. (Hình: CSIS)
Chi tiết đảo Phú Lâm chụp ngày 28 Tháng Giêng 2017. (Hình: CSIS)

Ðảo Bắc (North Island) và đảo Trung (Middle Island) là các đảo nhỏ ở phía Bắc đảo Phú Lâm cũng được bồi đắp thêm. Người ta thấy cơ sở làm xi măng ở đây chứng tỏ thêm các cơ sở quân sự đang được xây dựng như ở những đảo khác. Hai đảo này được bồi đắp một dải cát nối liền nhau nhưng đã bị bão thổi bay hồi Tháng Mười 2016 không rõ sẽ được làm lại hay không.

Ðảo Tri Tôn (Triton Island) ở cực Nam của quần đảo Hoàng Sa, tuy trước đây người ta thấy nó có một cảng nhỏ nhưng gần đây đã được mở rộng thêm và có cả bãi đáp trực thăng. Ðiểm đặc biệt của đảo này là trên đó, Trung Quốc lập một kỳ đài rất lớn trên đó có cờ Trung Quốc rất lớn mà người ta có thể nhìn thấy từ máy bay hay cả từ vệ tinh.

Ðảo Hoàng Sa (Pattle Island) cũng tương tự như đảo Tri Tôn có một cảng nhỏ và bãi đáp trực thăng, gần đây thấy được xây dựng thêm các cơ sở mới. Ðảo Linh Côn (Lincoln Island) thấy có một cảng nhỏ nhưng không thấy cơ sở nào cho máy bay.

Ðảo Quang Hòa và đảo Quang Hòa Tây nhỏ hơn được nối lại với nhau bằng một dải đất nhỏ được bồi đắp thêm và có cảng biển, không ảnh ngày 27 Tháng Mười Hai 2016. (Hình: CSIS)
Ðảo Quang Hòa và đảo Quang Hòa Tây nhỏ hơn được nối lại với nhau bằng một dải đất nhỏ được bồi đắp thêm và có cảng biển, không ảnh ngày 27 Tháng Mười Hai 2016. (Hình: CSIS)

Ðảo Quang Ảnh (Money Island), cũng giống như hai đảo Tri Tôn và Hoàng Sa, có một cảng nhỏ và bãi đáp trực thăng. Tuy đảo Duy Mộng (Drummond Island) thời gian gần đây chưa thấy có các cơ sở quân sự nào nhưng những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch bồi đắp mở rộng đảo cũng như xây dựng cơ sở và cảng biển.

Một số đảo nhỏ khác chỉ có một hay hai tòa nhà nhưng nhìn qua các vật liệu xây dựng đang được chuẩn bị ở đó, đây là những dấu hiệu của các kế hoạch xây dựng thêm đang tiến hành.

Theo báo chí Trung Quốc ngày 1 Tháng Hai 2017, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn do Trung Quốc đóng, sẽ neo đậu tại một căn cứ ở một tỉnh miền Nam, gần Biển Ðông, để có thể đối phó “những tình huống phức tạp” ở vùng biển đang tranh chấp này. Bắc Kinh chưa chính thức loan báo, nhưng báo chí Trung Quốc nói chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ được mang tên Sơn Ðông (Shandong), một tỉnh bờ biển phía Ðông Trung Quốc. (TN)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 9 tháng 2 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT