Thursday, April 18, 2024

Trung Quốc ngăn nước thượng nguồn, sông Tiền bị nhiễm mặn bất thường

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Việc người dân lo lắng nạn hạn mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ đến sớm, sau khi Trung Quốc ra lệnh giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng trên sông Mekong đã diễn ra.

Theo ông Võ Văn Thông, giám đốc Đài Khí Tượng Thủy Văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền những ngày qua tăng rất nhanh. Dự báo “mặn xâm nhập bất thường còn diễn ra trong vài ngày tới, sau đó sẽ tăng chậm.”

Trạm bơm Bình Phan, tỉnh Tiền Giang, bị cạn trơ đáy trong mùa khô 2020. (Hình: Mậu Trường/Tuổi Trẻ)

Nói với báo Tuổi Trẻ rõ hơn về tình hình nước mặn xâm lấn vào sông Tiền nhanh một cách bất thường, ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Tiền Giang, cho biết trước ngày 23 Tháng Giêng, độ mặn ở khu vực cống Xuân Hòa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, hiện đang lấy nước từ sông Tiền là 0 mg/l, nhưng ngày hôm sau đã là 2,400 mg/l, và sang ngày 25 Tháng Giêng đã tăng lên 6,200 mg/l (6.2 phần ngàn).

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn nhanh bất thường, ngày 26 Tháng Giêng, ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang, đã yêu cầu Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh kiểm tra tình hình mặt bằng để khoan 16 giếng lấy nước ngọt khi cần thiết phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân ở từng vùng, đặc biệt là cù lao Ngũ Hiệp và cù lao Tân Phong.

Cùng ngày ông Đặng Hoàng Lam, phó giám đốc Đài Khí Tượng Thủy Văn tỉnh Bến Tre, cho biết tình trạng xâm nhập mặn trong mấy ngày gần đây diễn ra mạnh tại cửa Đại. Riêng sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên “chưa có gì bất thường.”

Theo ông Lam, độ mặn 4,000 mg/l có thể xâm nhập sâu vào sông Tiền cách cửa sông 46 cây số. Hiện tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, cách sông Tiền 56 cây số, độ mặn đo được là 1,000 mg/l.

Ông Lam cho biết tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo người dân “tích cực trữ nước để chủ động ứng phó với hạn, mặn trong những ngày tới.”

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân nước sông Tiền nhiễm mặn sớm có thể ảnh hưởng từ việc Trung Quốc ra lệnh “giảm xả giữa mùa khô,” ngăn xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng – một trong số sáu đập thủy điện mà Trung Quốc đang vận hành trên đoạn sông Mekong chảy qua đất Trung Quốc mà nước này gọi là Lan Thương – xuống hạ lưu còn 1,000 khối/giây trong thời gian từ ngày 5 đến 24 Tháng Giêng.

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy Hội Sông Mekong Quốc Tế (MRC), lưu lượng xả trung bình nhiều năm từ đập Cảnh Hồng trong thời gian này khoảng 1,650 khối/giây.

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre phải chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về dự trữ cho người dân tưới cây ăn trái. (Hình: Mậu Trường/Tuổi Trẻ)

Với sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN, chỉ biết ra văn bản truyền đạt chỉ đạo gửi Bộ Nông Nghiệp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường “yêu cầu theo dõi diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long để dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.”

Trước đó hôm 6 Tháng Giêng, Trung Quốc thông báo với các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong rằng họ đang chặn dòng chảy của con sông tại một đập thủy điện Cảnh Hồng trong vòng 20 ngày, theo quy định của thỏa thuận chia sẻ tin tức của MRC và chính phủ Thái Lan.

MRC là cơ quan tư vấn cho các chính phủ Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam vốn từ lâu nay vẫn đòi phải có được các tin tức cần thiết hầu có kế hoạch đối phó với sự thay đổi của mực nước sông Mekong. Hiện có hơn 60 triệu người ở các quốc gia này trực tiếp trông nhờ vào con sông để đánh cá hay trồng trọt. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT