Saturday, April 20, 2024

Vấn đề Biển Đông sẽ gay gắt hơn vào năm tới?

HỒNG KÔNG (NV) – Bắc Kinh đối diện với vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được Việt Nam chú trọng trong nghị trình thảo luận của tổ chức ASEAN khi nắm chức chủ tịch luân phiên vào năm tới.

Đây là vấn đề mà một chuyên viên của Trung Quốc đang dựa vào những dấu hiệu đã và đang xảy ra từ thực địa trên biển đến các cuộc họp của tổ chức ASEAN để dự báo.

Tại kỳ họp ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4 Tháng Mười Một, 2019, Việt Nam đã tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên 10 nước hiệp hội ASEAN từ đầu năm tới. Không thấy Hà Nội bắn tín hiệu gì ngoài những lời tuyên bố của ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc “Việt Nam trông đợi sự hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN, thể hiện chủ đề, tinh thần của ASEAN trong năm 2020. Đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh tư duy cùng hành động, như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng.”

Nhưng ngày 6 Tháng Mười Một, 2019, trong một cuộc hội thảo về Biển Đông tại Hà Nội, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung, bắn tiếng rằng trong nhiều giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam không loại trừ khả năng đi kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế, theo tường thuật của hãng tin Reuters.

Báo chí trong nước đã nhiều lần đăng tải ý kiến của các chuyên viên trong nước và ngoại quốc thúc giục chế độ Hà Nội kiện Trung Quốc, nhưng cho đến nay, không có gì được xúc tiến dù những vụ đối đầu trên biển giữa lực lượng hai bên khá căng thẳng, theo một ít tin tức được tiết lộ ra.

Bắc Kinh ngang ngược cho tàu khảo sát địa chất và các tàu hải cảnh tới cản trở, quấy rối hoạt động khai thác và dò tìm dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính. Không những vậy, nhóm tàu này còn tiến sâu vào các khu vực đặc quyền kinh tế gần bờ biển hơn của Việt Nam.

Lời bắn tiếng của ông Lê Hoài Trung khiến Bắc Kinh nhìn thấy Hà Nội có thể theo con đường Philippines đã đi và đã thắng hồi năm 2013 khi Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền 9 đoạn nối lại giống hình “Lưỡi bò” là phi lý, không có giá trị. Bắc Kinh bèn đổi giọng tuyên bố cái “Lưỡi bò” ấy là “do tổ tiên để lại.”

Sau những lời của ông Lê Hoài Trung trong cuộc hội thảo ở Hà Nội, Bắc Kinh cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Geng Shuang (Cảnh Sảng) dọa lại là Việt Nam không nên “làm phức tạp thêm” tình hình Biển Đông nếu đi kiện.

“Vấn đề Biển Đông nhiều phần sẽ nằm cao trên nghị trình họp của Việt Nam và điều này có nghĩa là nghị trình các cuộc họp ASEAN năm tới có thể không mấy thân thiện với Trung Quốc như hai năm trước (Philippines, Thái Lan làn chủ tịch luân phiên) khi đụng đến vấn đề Biển Đông,” báo South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông dẫn lời nhận xét của Kang Lin (Lâm Khang) giám đốc Viện Phát Triển và Cai Trị Khu vực của tỉnh đảo Hải Nam.

SCMP cũng dẫn lời bà Hoàng Thị Hà, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu ASEAN tại Singapore cho rằng: “Những diễn biến gần đây tại khu vực bãi Tư Chính là tiền đề cho một tương lai dài đầy lo ngại cho Việt Nam khi đối phó với láng giềng phương bắc: Quyền đối với tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình ngày càng bị ép và cản trở từ hành động của Trung Quốc.”

Dù sao, theo bà thì “Hà Nội sẽ hành xử cẩn thận và tế nhị vì biết họ cần kết hợp thay vì phá tung ra cái sự hợp nhất mong manh (của ASEAN) trên vấn đề này. Đồng thời họ cũng sẽ cố tìm sự đồng thuận của ASEAN bằng cách lồng vấn đề Biển Đông vào trong những lợi ích khu vực rộng lớn hơn, tôn trọng luật quốc tế, hòa bình và ổn định, an ninh hàng hải, bảo vệ tài nguyên biển và môi trường.”

Hiện nay ASEAN và Bắc Kinh vẫn còn đang thảo luận để đạt đồng thuận về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Đông. Hà Nội muốn COC có ràng buộc pháp lý trong khi Bắc Kinh thì tránh né để dễ dùng sức mạnh quân sự thao túng. (TN)

MỚI CẬP NHẬT