Thursday, March 28, 2024

Việt Nam mua hỏa tiễn BrahMos của Ấn Ðộ để tự vệ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam mua hỏa tiễn BrahMos để tự vệ là bình thường. Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vừa tuyên bố như vậy tại một cuộc họp báo quốc tế khi được hỏi về chuyện Việt Nam vừa tiếp nhận một lô hỏa tiễn BrahMos, theo báo điện tử Dân Trí.

BrahMos là hỏa tiễn siêu thanh do Nga và Ấn Ðộ hợp tác sản xuất. Liên danh BrahMos Aerospace thành lập năm 1998. “BrahMos” được ghép từ tên của sông Brahmaputra (Ấn) và Moscow (Nga).

BrahMos có thể đạt đến tốc độ 2.5 đến 2.8 Mach, gấp ba lần Harpoon – hỏa tiễn siêu thanh của Hoa Kỳ. Với đầu đạn nặng từ 200 kg tới 300 kg, BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 290 km. Có thể phóng BrahMos ở mọi nơi, từ giàn phóng trên đất liền, trên phi cơ, trên chiến hạm hay trên tàu ngầm. BrahMos được xem là vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt các chiến hạm.

Từ 2012, Việt Nam đã nhiều lần ngỏ ý muốn mua hỏa tiễn BrahMos nhưng tới nay mới chính thức nhận được lô hỏa tiễn BrahMos đầu tiên. Cuối năm 2013, khi đến thăm Ấn, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, chính thức lập lại đề nghị mua hỏa tiễn BrahMos kèm đề nghị Ấn hỗ trợ huấn luyện phi công Việt Nam sử dụng chiến đấu cơ Su-30.

Hồi Tháng Bảy, 2014, liên danh BrahMos Aerospace loan báo Nga đã cho phép xuất cảng BrahMos và việc xuất cảng loại hỏa tiễn này chỉ còn chờ sự chấp thuận của chính phủ Ấn. Sau đó vài tháng, thủ tướng Ấn tuyên bố, Ấn đang muốn chuyển từ một quốc gia nhập cảng 65% thiết bị quân sự sang tự sản xuất và xuất cảng những thiết bị quân sự này cho các đồng minh.

Ngoài hỏa tiễn BrahMos, Ấn có thể xuất cảng hỏa tiễn Prahar, hỏa tiễn Akash (địa đối không), chiến đấu cơ Tejas. Vào thời điểm đó, tờ The Economic Times nhận định, vũ khí, thiết bị quân sự do Ấn sản xuất sẽ có giá rẻ hơn Trung Quốc, chất lượng tốt hơn nên mức độ hấp dẫn sẽ cao hơn.

Dù Ấn tuyên bố sẽ dồn sức thực hiện chiến lược “hướng vế phía Ðông” và nỗ lực xích lại gần hơn với Việt Nam, trên thực tế cả Ấn lẫn Việt Nam cùng gia tăng hợp tác về an ninh, quốc phòng nhưng tiến trình mua bán, chuyển giao BrahMos không vì thế mà nhanh hơn.

Tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra hôm 17 Tháng Tám, ngoài việc chính thức xác nhận Việt Nam đã nhận lô hỏa tiễn BrahMos đầu tiên, bà Hằng nói rằng việc mua sắm vũ khí quốc phòng để tự vệ là chuyện bình thường.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lặp lại chuyện “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và “yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên khu vực Biển Ðông được luật pháp quốc tế xác định.”

Bà Hằng không quên nói thêm rằng, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và an ninh – quốc phòng. Theo bà, hợp tác an ninh – quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn sẽ đóng góp thiết thực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Việt Nam nhận lô hỏa tiễn BrahMos đầu tiên từ Ấn trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines (quốc gia từng kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển) mới tuyên bố sẽ hợp tác khai thác Biển Ðông.

Cách nay vài tuần, truyền thông quốc tế loan báo, Việt Nam đã đột ngột yêu cầu Repsol, một tập đoàn của Tây Ban Nha, ngưng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Người ta tin rằng yêu cầu đó liên quan đến sức ép từ phía Trung Quốc, dọa sẽ tất công các tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Tại cuộc họp báo vừa kể, bà Hằng không xác nhận cũng chẳng phủ nhận về sự kiện Repsol mà chỉ nói một cách chung chung là, “lộ trình cũng như tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan.” (G.Ð)

Ngoại trưởng Tillerson nói “Kỳ thị đi ngược giá trị truyền thống Mỹ”

MỚI CẬP NHẬT