Wednesday, April 24, 2024

Việt Nam thặng dư mậu dịch với Mỹ 9 tháng tăng hơn 28%

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thặng dư mậu dịch của Việt Nam so với Mỹ gia tăng hơn 28% trong 9 tháng đầu của năm 2019 trước những lời đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Hoa Thịnh Đốn.

Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam hôm Thứ Bảy, 28 Tháng Chín, 2019 công bố các con số thống kê kinh tế 9 tháng đầu của năm 2019 cho thấy, một phần nhờ cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, thặng dư mậu dịch của Việt Nam được $5.9 tỷ USD. Nổi bật trong đó, tỷ lệ thặng dư mậu dịch với Mỹ gia tăng rất lớn trong khi so với Liên Âu và Trung Quốc lại giảm.

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt $44.9 tỷ, tăng 28.2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt $31.1 tỷ, giảm 0.7%; Trung Quốc đạt $27.8 tỷ, giảm 3.8%; thị trường ASEAN đạt $19.4 tỷ, tăng 4.7%; Nhật Bản đạt $15.1 tỷ, tăng 10%; Hàn Quốc đạt $14.5 tỷ, tăng 8.1%.” Các báo trong nước dẫn lại bản thống kê tình hình kinh tế xã hội của 9 tháng đầu 2019.

Trong khi tỷ lệ gia tăng xuất cảng sang Trung Quốc giảm xuống thì Việt Nam lại gia tăng nhập cảng từ nước này tới 17.3% so với cùng thời gian 9 tháng đầu năm ngoái với $55.5 tỉ. Trung Quốc là nguồn cung cấp chính yếu nguyên, vật liệu, sản phẩm, phụ tùng để Việt Nam sản xuất, lắp ráp để xuất cảng.

Các con số của thống kê Hoa Kỳ nói Mỹ bị thâm hụt mậu dịch với Việt Nam gần $40 tỷ năm 2018 trong khi Hà Nội chỉ đưa ra con số hơn $35 tỷ. Ngày 26 Tháng Sáu, 2019, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam khi ông tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Fox Business Network là “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam” vì cuộc thương chiến Mỹ-Trung Quốc “nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc.”

Khi được hỏi ông có định áp đặt thuế quan trừng phạt với Việt Nam hay không, ông Trump không trả lời thẳng mà chỉ nói “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ hại nhất so với những kẻ khác.”

Một tháng sau đó, ngày 29 Tháng Bảy, 2019, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trả lời bằng văn bản khi bị Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện chất vấn về ngoại thương là “Các công ty Mỹ đang phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại ở Việt Nam. Hoa Kỳ đã nói rõ với phía Việt Nam là phải có hành động để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ như nhập cảng nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn và giải quyết vấn đề hạn chế tiếp cận thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ, hàng nông sản và sở hữu trí tuệ.”

Trước những đe dọa từ Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội vội vã thúc giục hải quan kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc gắn sẵn xuất xứ “Made in Vietnam,” tuồn sang Việt Nam để xuất cảng sang Mỹ tránh bị trừng phạt thuế quan của Mỹ. Đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn xác định thế nào là sản phẩm do Việt Nam sản xuất rồi xuất cảng.

Những tin tức gần đây cho hay Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhiều phần có thể thăm Tòa Bạch Ốc vào Tháng Mười với một danh sách sẽ mua nhiều loại sản phẩm Mỹ từ khí đốt (LNG) của Texas, thịt heo ở Iowa, than đá ở Pennsylvania, thậm chí cả động cơ máy ban phản lực với giá trị lên nhiều tỷ đô la nhằm xoa dịu sự bực tức của Tổng Thống Trump.

Hội Năng Lượng Sách Việt Nam ngày 11 Tháng Chín, 2019 cho hay, một dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG với tổng số vốn đầu tư hơn $5 tỷ, dự trù sẽ được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Tổng công suất nhà máy sau khi hoàn thành vào năm 2023-2025 sẽ là 3,200 MW có sự tham gia của công ty Mỹ General Electric Co., và hai công ty Hàn Quốc KBR Inc. và Korea Gas. Nguồn nhiên liệu LNG sử dụng được nhập cảng trực tiếp từ Hoa Kỳ.

Mới mấy ngày trước, tin tức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay một cơ sở tiếp nhận LNG sẽ được xây dựng tại cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) từ cuối Tháng Mười tới đây, nhập cảng trực tiếp khí hóa lỏng từ Mỹ, với tổng vốn đầu tư lên đến $6 tỷ chia làm nhiều giai đoạn cho 6 cơ sở. Giai đoạn đầu, nhập cảng 1 triệu tấn LNG từ năm 2022 nhưng năm sau đó gia tăng gấp ba.

Báo tài chính Bloomberg cho hay, để tránh bị áp đặt thế quan trừng phạt, ngoài than đá, khí LNG, hiện công ty tư vấn và môi giới thương mại Nestor Scherbey, có trụ sở ở Sài Gòn, đang thảo luận với một số nhà cung cấp ở Mỹ để xuất cảng sang Việt Nam, giúp nước này bù đắp số lượng thịt heo dự trù sẽ bị thiếu hụy từ nay đến cuối năm âm lịch khoảng 500,000 tấn.

Dịch tả heo Phi châu đã buộc giới nông dân tiêu hủy hơn 5 triệu con heo trong khi lượng thịt heo chiếm 70% các loại thịt người Việt Nam tiêu thụ hàng ngày. (TN)

MỚI CẬP NHẬT